Đá bóng ở làng nổi

Ở làng nổi, chỉ có một cách để đi vào và đi ra, đó là bằng thuyền. Trẻ em đi học, người lớn đi nhà thờ và cả bóng đá, cũng diễn ra trên những chiếc thuyền. Chúng ta chẳng lạ gì những ngôi làng nổi ấy ở Việt Nam. Tại Quảng Ninh hay khu La Ngà trên sông Đồng Nai chẳng hạn...

Ở làng nổi, chỉ có một cách để đi vào và đi ra, đó là bằng thuyền. Trẻ em đi học, người lớn đi nhà thờ và cả bóng đá, cũng diễn ra trên những chiếc thuyền. Chúng ta chẳng lạ gì những ngôi làng nổi ấy ở Việt Nam. Tại Quảng Ninh hay khu La Ngà trên sông Đồng Nai chẳng hạn...

Sống trên làng nổi là chuyện bình thường ở bất kỳ nơi đâu gần những con sông lớn và được thiên nhiên ban tặng sự trù phú cá tôm. Người trong đất liền ra sông tìm miếng ăn, rồi ở lại trên sông. Nhà trên sông và sông trở thành nhà, hết đời này đến đời nọ rồi thành cuộc đời của người làng nổi.

Trên con sông Đen, một nhánh nhỏ của dòng Solimões nổi tiếng của con sông mẹ Amazon vốn là biên giới tự nhiên giữa Brazil và Peru, người ta bắt gặp nhiều làng nổi. Đấy là nơi sinh sống của những thổ dân vùng hạ Amazon chọn mặt nước làm nơi mưu sinh thay vì những mảnh đất trồng trọt bên trong rừng rậm.

So với các bộ lạc mà chúng tôi từng gặp trong chuyến viếng thăm Amazon gần đây, cư dân trên các làng nổi có đời sống “văn minh” hơn nhờ tiếp xúc nhiều với thế giới hiện đại. Họ không lạ lẫm với bóng đá. Thời gian trước, cư dân của những làng nổi có có những “sân bóng” đặc biệt nhất thế giới đó là những chiếc bồn dầu lớn neo đậu trên sông. Họ leo lên trên, đá bóng trong cái cảm giác lắc lư chao đảo giữa trời và đất. Những chiếc bồn dầu khổng lồ ấy nay không còn, họ trở lại với những sân bóng của mình, là những chiếc thuyền...

Một cậu bé mang khung thành bằng gỗ ra bè để chơi bóng.

Một cậu bé mang khung thành bằng gỗ ra bè để chơi bóng.

o0o

Anh Alexandro Ferreira Viana, một người chuyên tổ chức bóng đá tại vùng Catalaos cho biết: “Họ luôn có một tinh thần rất thuần khiết với bóng đá bởi với người dân vùng làng nổi, là niềm vui không có gì có thể đánh đổi được”. Trên những ngôi nhà, dân làng nổi cắm những lá cơ Brazil màu vàng - xanh có dán đầy hình những ngôi sao của Selecao. Geane de Sousa, một cô chủ quán nhỏ trên làng nổi là CĐV của Flamengo, đội bóng ở tận Rio de Janiero, là một trong những “bầu sô” bóng đá tại làng nổi.

Ở đây, tụi trẻ nếu không đến trường thì sẽ tận dụng thời gian rảnh rỗi của mình để đá bóng và Sousa tổ chức cho chúng các trận bóng theo những quy chuẩn cơ bản của bóng đá nhưng sẽ không có 2 yếu tố: Những pha đá phạt góc và những thẻ phạt. Sousa giải thích: “Lũ trẻ không thích điều đó dù tôi đã cố gắng giải thích. Chúng đá bóng là để vui vẻ chứ chẳng liên quan gì đến thắng - thua”.

Sân bóng của các khu làng nổi đa phần đều nhỏ bé, được hình thành bởi các khoản sân nhỏ bằng ván giữa các ngôi nhà nối lại với nhau. Có cầu môn nhưng không có đường biên. Không có trọng tài, thay vì thế phải có một đội ngũ tình nguyện viên lượm bóng sẵn sàng phóng người xuống nước để lấy bóng lên.

Mấy năm nay, có vài thứ biến đổi khiến đời sống bóng đá của cư dân làng nổi cũng không còn được như trước. Những cơn lũ từ thượng nguồn Amazon liên tục đổ xuống trước tình trạng khai thác rừng bừa bãi. Riêng năm nay, mực nước trên sông Đen cao thứ 5 trong vòng 100 năm qua. Mưa trong năm nhiều hơn và nước dâng liên tục khiến các ngôi làng phải rời nhau xa hơn để tránh các dòng nước siết. Những chân bóng của lũ trẻ vì vậy, cũng thường chỉ tồn tại trong 4-5 tháng khi mực nước trên sông hạ xuống và các ngôi nhà xích lại gần nhau. Thời tiết khô ráo cũng dễ để lũ trẻ vui đùa.

Những trận cầu nảy lửa ở bè nổi trên sông.

Những trận cầu nảy lửa ở bè nổi trên sông.

o0o

Sousa bảo mỗi khi mùa mưa đến, nhìn lũ trẻ cô rất thương khi thấy chúng chỉ chơi bóng một mình trong nhà của mình thay vì có những trận cầu thực sự. World Cup 2014 diễn ra ngay đầu mùa mưa, bầu không khí bóng đá trên làng nổi cũng không sôi động khi tại ngay chính tại sân Manaus, rất gần khu Sousa ở, mưa làm ảnh hưởng cả 4 trận đấu diễn ra ở đây.

Hôm chúng tôi đến làng nổi, có trận bóng được Sousa tổ chức. Lũ trẻ dựng những chiếc bàn học bao quanh sân bóng để tránh bị rơi xuống nước. Nếu bóng rơi, thường thì lũ trẻ sẽ phóng mình xuống để lượm lên. Bóng rơi càng nhiều thì sân bóng sẽ ướt nhẹp, trơn trượt trên những mảnh gỗ và trận đấu trở thành những màn té ngã vui nhộn.

Cầu thủ Aldenei Texeira, năm nay 14 tuổi, vừa cười vừa nói với chúng tôi: “Em thích đá bóng tại đây nhưng nếu được đá trên đất liền thì sẽ tốt hơn vì có ngã cũng ít đau hơn”. Còn ông Raimunda Ferreira Viana, người đứng đầu làng nổi, thì ví von: “Chẳng ở đâu chơi thứ bóng đá như chúng tôi bởi vừa là bóng đá, vừa là bóng nước”.

4-5 năm về trước, một doanh nghiệp địa phương đãi đề xuất thực hiện sân bóng trên mặt nước dành cho cư dân làng nổi. Đấy là một sân bóng có kích thường bằng một sân futsal, được kéo bằng xà lan đi dọc các ngôi làng nổi để tổ chức các trận bóng vào những buổi chiều cuối tuần. Các cầu thủ mặc áo phao để đá. Bước đầu dự án này đã được dân làng nổi hưởng ứng. Chỉ có điều, cũng chỉ mới có một sân bóng và cũng mới dành cho người lớn. Trẻ em làng nổi vẫn phải đợi mùa mưa năm nay kết thúc mới quay lại với thú vui của mình.

Long Khang (từ Manaus)

Tin cùng chuyên mục