Chèo thuyền vượt qua nỗi sợ

Để đến được với giấc mơ Olympic, tay đua thuyền kayak Jo Brigden-Jones (đoàn thể thao Úc) đã phải vượt qua nỗi sợ khi gặp gỡ những vị khách “không mời mà đến” trong lúc luyện tập.

Jo Brigden-Jones sẽ tranh tài ở nội dung kayak 500m vào ngày 6-8
Jo Brigden-Jones sẽ tranh tài ở nội dung kayak 500m vào ngày 6-8

Jo Brigden-Jones bắt đầu tập luyện bộ môn chèo thuyền kayak từ năm 13 tuổi sau khi được các nhà tuyển trạch lựa chọn trong một chương trình tìm kiếm tài năng thể thao. Thời điểm đó, nữ vận động viên (VĐV) được đánh giá là có thể lực tốt phù hợp với các môn chèo thuyền. Jo nói: “Tôi thậm chí còn không biết chèo thuyền kayak là gì, nhưng sau khi được các huấn luyện viên hướng dẫn tập luyện, tôi đã nhanh chóng yêu thích môn thể thao này”.

“Khi thấy một tia nước lớn bắn lên, bạn biết dưới đó đang có một con cá mập. Đôi khi, chúng sẽ húc vào thuyền của mọi người", nữ VĐV kể lại kỷ niệm đáng nhớ trong lúc tập luyện chuẩn bị cho Olympic Tokyo. Cô trông khá thoải mái khi nói về lần gặp gỡ vị khách “đặc biệt” cá mập bò mắt trắng. Có chiều dài trung bình 2,4m và nặng 130kg, cá mập bò mắt trắng được biết đến bởi bản tính hung hăng, thích nước nông và hay có mặt ở những vùng nước lợ, nước ngọt gồm có cửa sông và sông. Tại Úc, loài cá mập này thường xuất hiện trên những con sông nơi Jo tập luyện để chuẩn bị cho cuộc hành trình tại Olympic Tokyo 2020.

Chèo thuyền vượt qua nỗi sợ ảnh 1 Những con sông nơi Jo tập luyện thường xuất hiện cá mập

Đối với VĐV sinh năm 1988 này, nguy hiểm trong lúc tập luyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Ở địa điểm huấn luyện khép kín nơi cô và các đồng đội đóng quân còn có một bất ngờ lớn dành cho họ. Nơi con sông mà tuyển kayak Úc tập luyện từng là nơi sinh sống của cả đàn cá sấu. “Thật may là chúng tôi chưa thấy trực tiếp con nào trong lúc tập, nhưng có lần chúng tôi đã chèo thẳng đến một trang trại cá sấu”, Jo nói. Tại đây, các nhân viên trang trại đã cho họ xem một con cá sấu lớn vừa bị bắt trong lúc đang bơi tại địa điểm tập luyện của họ.

Tất nhiên với Jo hay các thành viên khác trong đội, để tiến gần hơn đến với chiếc HCV danh giá tại Olympic, họ phải tập làm quen với những buổi chèo thuyền cùng cá mập bò mắt trắng ở các con sông quen thuộc hay tập luyện trên những vùng nước từng xuất hiện cá sấu.

Đối với Jo, Olympic Tokyo 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cô, bởi nữ VĐV muốn có một kỳ Thế vận hội đáng nhớ trước khi tuyên bố giải nghệ. Cô từng chịu cảm giác cay đắng khi bỏ lỡ Olympic Bắc Kinh 2008 và Olympic Rio 2016 do chấn thương nặng ở vai. Thế nên việc Olympic Tokyo hoãn lại khiến cô đứng trước 2 lựa chọn: tiếp tục tập luyện và chờ đợi thêm một năm nữa hoặc khép lại sự nghiệp với một giấc mơ dang dở. Nhưng việc phải tiếp tục duy trì tập luyện với cường độ cao lại là một thử thách lớn về thể chất lẫn tinh thần cho cô gái 33 tuổi này.

Jo bày tỏ: “Mỗi ngày tôi luyện tập điên cuồng, không sợ những nguy hiểm luôn rình rập để mong có một kết quả tốt ở Thế vận hội. Nhưng khi nhận tin bản thân đủ điều kiện tham dự, thì sự kiện lại hoãn một năm do đại dịch. Lúc đó, đầu óc của tôi trống rỗng và bản thân suy sụp đến nỗi không biết phải làm gì tiếp theo”.

Chèo thuyền vượt qua nỗi sợ ảnh 2 Jo Brigden-Jones nằm trong đội ngũ y tế phòng, chống dịch Covid-19 của Úc

Tuy vậy, Jo Brigden-Jones đã nhanh chóng vực dậy bản thân bởi cô hoàn toàn hiểu lý do tại sao Thế vận hội phải bị hoãn. Bởi vì ngoài công việc VĐV thể thao đỉnh cao, Jo còn sống một cuộc đời khác, đó là một nhân viên cấp cứu. Hàng ngày, nữ VĐV luôn cố gắng cân bằng giữa việc tập luyện trên sông và tập thể dục trong phòng tập. Đến đêm, cô chìm trong những cuộc gọi khẩn cấp, ca trực xuyên đêm hay làm thêm giờ. Olympic bị hoãn cũng giúp nữ VĐV có thêm thời gian góp sức mình vào trận chiến chống Covid-19. “Tôi muốn cố gắng hết sức mình để cùng mọi người chung tay chống đại dịch và thật tuyệt vời khi được làm điều này. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải tập trung, đoàn kết để đảm bảo tốt sức khỏe cho tất cả mọi người”, Jo cho hay.

Tin cùng chuyên mục