Xạ thủ Luna Solomon đến Olympic Paris 2024: Ngọn hải đăng hy vọng cho người tị nạn

Thêm một kỳ Olympic mà xạ thủ Luna Solomon khoác lên màu áo của Đoàn Thể thao dành cho Người tị nạn (EOR), với mục tiêu không chỉ cải thiện về mặt thành tích mà còn tiếp tục lan tỏa tình yêu thương và truyền động lực vượt khó đến những mảnh đời chưa thật sự may mắn.

Nữ xạ thủ Luna Solomon của Đoàn Thể thao dành cho Người tị nạn sắp tham dự Olympic Paris 2024. ẢNH: GETTY IMAGE
Nữ xạ thủ Luna Solomon của Đoàn Thể thao dành cho Người tị nạn sắp tham dự Olympic Paris 2024. ẢNH: GETTY IMAGE

Olympic Tokyo của ba năm về trước, Luna Solomon đã đại diện cho hàng triệu người tị nạn trên toàn cầu được tham gia tranh tài ở môn bắn súng. Để đoạt tấm vé thông hành đến với Nhật Bản, cô gái sinh năm 1996 từng suýt phải đánh đổi cả mạng sống trên hành trình cùng dòng người tị nạn khác chạy trốn khỏi quê hương Eritrea đến với Thụy Sĩ.

Tiếng súng là nỗi ám ảnh của người Eritrea, trong đó có Luna Solomon. Các cuộc xung đột kéo dài đã cướp đi mạng sống của những con người vô tội. Nhưng điều trùng hợp khi tiếng súng lại trở thành cơ hội để Luna Solomon “đổi đời”. Tìm được một nơi an toàn tại Thụy Sĩ, cô gái có nước da ngâm này được gặp Niccolo Campriani, nhà vô địch bắn súng Olympic người Italia. Từ đây, Luna Solomon được vị HLV người Italia hướng dẫn tập luyện môn bắn súng.

Nữ xạ thủ nhớ lại: “Khi đến đây tập luyện và thi đấu, tôi nhận thức thêm được rằng, bắn súng còn là một môn thể thao chuyên nghiệp, là phấn đấu đi đến vinh quang. Tham gia bộ môn này, tôi được gặp nhiều người, đi nhiều nơi thi đấu và từ đó bản thân được tiếp thêm tự tin trong cuộc sống”.

Olympic Tokyo 2020 là sự kiện thể thao đầu tiên và lớn nhất mà Luna Solomon vinh dự góp mặt. Dù không vượt qua được vòng loại nội dung 10m súng trường hơi nữ, nhưng nghị lực vươn lên của cô gái đã trở thành tấm gương sáng cho những người có cùng cảnh ngộ. Mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu đã rơi để Luna Solomon xuất hiện tại Nhật Bản. Cô được xem như “sứ giả” hòa bình, truyền đi thông điệp về khát vọng được sống và tình yêu thương giữa con người.

pd68dq8uwkgfudsqcaa7.jpg
Luna Solomon là tấm gương cho nghịch lực vượt qua nghịch cảnh.

Luna Solomon tâm sự: “Tôi từng tự nhủ với bản thân rằng, những người tị nạn như chúng tôi cũng có quyền tham gia Olympic. Người tị nạn cũng giống như bao người khác, có quyền được sống, được tham gia và thỏa mãn niềm đam mê thể thao và cùng được tranh tài tại các sự kiện thể thao lớn của thế giới”. Nữ xạ thủ nghẹn ngào khi nhớ lại quãng thời gian được tập luyện và thi đấu dưới mái nhà EOR. Vì có cùng cảnh ngộ nên các thành viên xem nhau như một gia đình, sống hòa thuận, cười đùa và trò chuyện đầy thân tình. “Đó là hình ảnh đẹp cho tất cả người tị nạn trên thế giới”, Luna Solomon nhấn mạnh.

Đến Paris tham dự Olympic 2024, nữ xạ thủ sinh năm 1996 vẫn tiếp tục trở thành hình mẫu cho những người đã, đang và sắp rơi vào hoàn cảnh chạy trốn khỏi quê hương như cô. “Ở Paris, tôi muốn trở thành tấm gương cho những người tị nạn, để truyền tải thông điệp về lòng dũng cảm. Các bạn phải kiên nhẫn và can đảm. “Hãy theo đuổi ước mơ của bạn và đừng bao giờ nói: ‘Tôi không thể làm được’. Nếu bạn suy nghĩ tích cực và làm việc chăm chỉ, bạn sẽ luôn thành công”, trong thông điệp của cô.

Chỉ có ba màu huy chương được trao tại mỗi kỳ Olympic. Song có một bộ huy chương mà chúng tôi gọi là “huy chương không màu”, có giá trị không kém cạnh các nhà vô địch vì luôn được nhắc mãi về sau. Những tấm huy chương ấy được trân trọng dành đến các VĐV tị nạn. Việc họ có mặt tại các sự kiện thể thao, đặc biệt như Olympic, là một chiến thắng đầy ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục