Hành trình đáng nhớ của Đoàn VĐV tị nạn ở Olympic

Dù bỏ lỡ cơ hội vào chung kết ở nội dung 10m súng trường hơi nữ, nhưng đối với Luna Solomon (đoàn thể thao người tị nạn Olympic) việc được tham gia Thế vận hội là một hành trình không bao giờ quên.

Bắn súng thể thao giúp Luna Solomon có thêm sự tự tin trong cuộc sống
Bắn súng thể thao giúp Luna Solomon có thêm sự tự tin trong cuộc sống

Tại vòng loại nội dung 10m súng trường hơi nữ Olympic Tokyo 2020, Luna Solomon xếp ở vị trí 50. Mặc dù không tiến vào trận chung kết, nhưng việc thi đấu lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cô gái 27 tuổi. “Cuộc hành trình đến với Olympic thật không dễ dàng. Nhưng chúng tôi, những người tị nạn đến từ các quốc gia khác nhau, xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau đều muốn được thi đấu, thỏa mãn niềm đam mê thể thao của mình. Một chút tiến bộ trong thành tích thi đấu cũng được xem là thành công mà chúng tôi đã đạt được”, Solomon chia sẻ.

Vào năm 2015, Luna Solomon đã “chạy trốn” khỏi quê hương Eritrea để đến Thụy Sĩ tìm kiếm một cuộc sống an toàn. Tại đây, cô gặp được Niccolo Campriani, nhà vô địch bắn súng Olympic người Italia và bắt đầu được vị huấn luyện viên này hướng dẫn luyện tập bộ môn.

Nữ VĐV 27 tuổi cho biết: “Ở đất nước Eritrea của tôi không hề có bộ môn bắn súng. Với nhiều cuộc xung đột thường xuyên diễn ra thì súng là thứ gì đó rất đáng sợ vì nó dùng để cướp đi mạng sống con người. Nhưng khi được tham gia tập luyện, tôi mới hiểu rằng bắn súng còn là một môn thể thao chuyên nghiệp, là phấn đấu đi đến vinh quang. Tham gia bộ môn, được gặp nhiều người và đi nhiều nơi thi đấu khiến tôi có thêm sự tự tin trong cuộc sống”.

Hành trình đáng nhớ của Đoàn VĐV tị nạn ở Olympic ảnh 1 Sự xuất hiện của Solomon hay những VĐV tị nạn khác tại Olympic Tokyo nhằm truyền tải thông điệp về quyền tự do, yêu thương, khao khát được sống

Dưới sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc và hỗ trợ từ phía Ủy ban Olympic quốc tế, Solomon trở thành thành viên của đoàn thể thao người tị nạn tham dự Olympic Tokyo 2020. Có thể nói để nhận được tấm vé thông hành đến với Thế vận hội, cả Solomon hay những VĐV tị nạn khác đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu để giành lấy lại sự sống. Mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung niềm đam mê mãnh liệt với thể thao. Các VĐV tị nạn có thể không giành được huy chương, nhưng sự hiện diện của họ tại Olympic đã là những câu chuyện truyền cảm hứng, phát đi thông điệp về quyền tự do, yêu thương, khao khát được sống.

“Tôi nghĩ sự có mặt của đoàn thể thao người tị nạn ở Olympic sẽ giúp cải thiện hình ảnh của chúng tôi trong mắt nhiều người. Người tị nạn đến một quốc gia không phải để chiếm lợi ích từ quốc gia đó, mà họ chỉ đang tìm kiếm sự tự do và an toàn cho bản thân, từ đó có một tương lai ổn định. Do vậy, mục đích của tôi tại Olympic Tokyo là mang lại những điều tốt đẹp cho những người tị nạn và cho những người nhập cư ở một đất nước xa lạ”, Solomon bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục