Cẩn thận với chấn thương đầu gối

Triệu chứng

Đầu gối là một trong những bộ phận cơ thể mà người tập luyện thể dục thể thao cần phải bảo vệ kỹ càng nhất. Hội chứng đau xương bánh chè, hay còn gọi là đau đầu gối hoặc phía trước đầu gối là một trong những chấn thương phổ biến nhất, chiếm khoảng 20% số lượng các chấn thương của người chạy bộ.

Hình minh họa đứt dây chằng chéo trước khớp gối.

Triệu chứng

Tùy theo chấn thương nhẹ hay nặng, bệnh nhân thấy các mức độ triệu chứng là: Đau vừa và nhức nhối, hơi sưng đầu gối, có thể cử động được khớp gối; Đau và nhức nhối dữ dội hơn, sưng vừa, khó bước đi, không ổn định khớp, cử động trung bình thấy đau phải dừng lại; Đau dữ dội, sưng to, chỗ sưng của khớp gối có thể do tích tụ chất hoạt dịch trong bao hoạt dịch hay chất dịch ở trong khớp, biến dạng khớp gối, hoàn toàn không cử động được khớp gối. Khi đứng, các đầu gối bình thường duỗi thẳng, nếu gấp thường xuyên có thể do co cứng đầu gối, hông hoặc thậm chí cả bàn chân.

Các tổn thương thường gặp

- Đứt dây chằng chéo trước: Biểu hiện lâm sàng là sưng và đau vùng gối. Bệnh nhân có thể cảm nhận được tiếng “rắc” ngay khi chấn thương. Sau đó gối sưng đau và hạn chế vận động. Dù bệnh nhân có điều trị hay không thì tình trạng sưng đau dần cũng tự hết.

- Lỏng gối: Biểu hiện là bệnh nhân có cảm giác chân yếu khi đi lại. Khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng.  Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân, dễ vấp ngã.  Khi đi nhanh trên đường không bằng phẳng, dễ có cảm giác trẹo gối. Lên cầu thang cảm giác không thật chân, khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.

- Teo cơ: Đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, do đó chân càng ngày càng yếu, nhất là khi cơ đùi teo nhiều. Teo cơ dễ xảy ra ở những người ít hoạt động như dân văn phòng, học sinh…

- Đứt dây chằng chéo sau: Giống với biểu hiện lâm sàng của tổn thương dây chằng chéo trước, như sưng và đau ngay sau chấn thương, lỏng gối, teo cơ.

- Tổn thương chằng bên trong: Dạng cẳng chân quá mức, thường liên quan đến cơ chế vặn xoắn, gây nên tổn thương của một phần hoặc hoàn toàn dây chằng bên chày.

- Tổn thương dây chằng bên ngoài: Tổn thương dây chằng bên mác thường đi kèm với các tổn thương của các cấu trúc xung quanh như gân cơ kheo hoặc dải chậu chày.

- Tổn thương sụn chem: Là tổn thương hay gặp nhất ở khớp gối trong chấn thương thể thao (cầu thủ bóng đá), ngoài ra khá thường gặp do tai nạn giao thông.

Biện pháp điều trị

Tùy mức độ nặng nhẹ của tổn thương mà dùng bó bột, nẹp cố định, phẫu thuật. Nếu nghi ngờ gãy xương hoặc thấy bệnh nhân không thể đứng được cần chụp Xquang để xác định chính xác. Trường hợp có gãy xương, cần phải cố định khớp gối bằng bó bột hay dùng nẹp. Phải bó bột từ vị trí trên cổ chân cho tới tận phần trên của bắp đùi. Hoặc cố định bằng nẹp, phải nẹp từ dưới bắp chân tới khoảng giữa đùi; Nên dùng những thanh cố định có thể tháo ra được có hiệu quả tốt, có thể phòng teo cơ quá mức, tránh phải phục hồi chức năng kéo dài. Dù có gãy xương hay không gãy xương, mọi bệnh nhân khi đi đứng mà thấy đau đều phải mang nạng. Điều trị bằng phẫu thuật trong các trường hợp: tổn thương ở dây chằng, rách hoàn toàn; các tổn thương sụn chêm không lành được.

Phòng ngừa

Bệnh nhân nên cố gắng luyện tập phục hồi chức năng vận động của đầu gối càng sớm càng tốt. Tập phục hồi chức năng là làm giảm sự mất mát không thể tránh khỏi do không hoạt động. Không những cần điều trị cho mau lành lại của cấu trúc bị tổn thương ở đầu gối, mà còn chú ý đến điều kiện của các cơ và dây chằng hỗ trợ khác, cũng như sự khỏe mạnh của toàn bộ cơ thể. Nếu không sớm vận động, sức mạnh của sợi keo, dây chằng và trương lực cơ nói chung, tất cả bị mất đi trong vòng mấy tuần, thậm chí mấy ngày nếu không hoạt động. Vì vậy bệnh nhân cần tập sớm theo các hướng dẫn sau: khi các triệu chứng đã giảm, bệnh nhân có thể tập các bài vận động nhằm làm mạnh nhóm cơ tứ đầu đùi và các cơ kheo.

BS NGUYỆT HÀ (Theo Y học thể thao)

Tin cùng chuyên mục