Bóng đá sạch

Bóng đá sẽ chết, đó là lời than vãn của Michel Platini trong thời điểm mà xì-căng-đan bán độ được coi là lớn nhất từ trước tới nay được hé lộ. Cơ quan điều tra úp mở có đến hàng trăm trận đấu ở rất nhiều giải đấu khác nhau của nhiều nước trên thế giới bị nghi ngờ có dính líu đến mua bán độ, trong đó có những trận ở Champion League, giải đấu hấp dẫn nhất hiện nay. Platini cho rằng sai lầm của trọng tài hay phân biệt chủng tộc trong bóng đá cũng chỉ là vấn đề mang tính xã hội, nhưng mua bán độ thì trực tiếp ảnh hưởng đến bóng đá. Khán giả đến sân mà biết trước kết quả trận đấu thì cũng là lúc bóng đá chết đi.

Bóng đá sẽ chết, đó là lời than vãn của Michel Platini trong thời điểm mà xì-căng-đan bán độ được coi là lớn nhất từ trước tới nay được hé lộ. Cơ quan điều tra úp mở có đến hàng trăm trận đấu ở rất nhiều giải đấu khác nhau của nhiều nước trên thế giới bị nghi ngờ có dính líu đến mua bán độ, trong đó có những trận ở Champion League, giải đấu hấp dẫn nhất hiện nay. Platini cho rằng sai lầm của trọng tài hay phân biệt chủng tộc trong bóng đá cũng chỉ là vấn đề mang tính xã hội, nhưng mua bán độ thì trực tiếp ảnh hưởng đến bóng đá. Khán giả đến sân mà biết trước kết quả trận đấu thì cũng là lúc bóng đá chết đi.

Có lẽ, không ít nền bóng đá đã điêu đứng vì nạn mua bán độ. Một nền bóng đá lâu đời, danh giá ở châu Âu như Italia cũng có lần rúng động vì các vụ dàn xếp tỷ số. Năm 2006, “bà đầm già” Juventus bị tước chức vô địch mùa giải 2005 và 2006 đồng thời bị giáng xuống chơi ở Serie B sau phán quyết của tòa án thể thao về một đường dây dàn xếp tỷ số do chính chủ tịch CLB này thao túng - “bố già” Luciano Moggi. Tòa án Italia sau đó cũng ra phán quyết phạt tù nhiều cầu thủ và nhiều quan chức, trọng tài.

Năm 2011 ở Hàn Quốc, cầu thủ Jeong Jong-Kwan đã tự vẫn vì dính líu đến mua bán độ ở giải vô địch Hàn Quốc. Cuộc điều tra cho thấy có 11 cầu thủ phạm tội thì 10 trong số đó bị treo giày suốt đời. Cũng năm này tại Trung Quốc, 20 cựu quan chức bóng đá bị bắt trong chiến dịch làm sạch bóng đá nước này. Nhiều trọng tài, quan chức đã nhận tiền để dàn xếp tỷ số các trận đấu trong nước và quốc tế, có cả trận giao hữu với Man.United vào năm 2007! Vụ việc khiến hình ảnh bóng đá Trung Quốc tổn hại nghiêm trọng và đài truyền hình trung ương tuyên bố không phát sóng giải vô địch quốc gia sau xì-căng-đan này.

Riêng ở Việt Nam, người hâm mộ cũng không ít lần “bật ngửa” khi thông tin về các đường dây cá độ, các trận đấu bị dàn xếp tỷ số và các cầu thủ “nhúng chàm” được đưa ra ánh sáng… một phần. Nói một phần là bởi có những vụ việc mà chính người trong cuộc cũng muốn dàn xếp cho êm thấm để tránh tổn hại đến nền bóng đá. Dù vậy, nhiều cầu thủ tài năng hoặc vừa chớm thành công trong thời gian ngắn cũng đã thân bại danh liệt vì có liên quan ít nhiều đến các đường dây mua bán độ. Thật khó tin khi nền bóng đá vừa chuyển sang chuyên nghiệp và hội nhập trở lại thì đã có vấn đề ở giải đấu SEA Games. Nhiều người nói vui rằng dàn xếp tỷ số cũng là một đặc thù của bóng đá chuyên nghiệp, vì vậy mà ta rất nhanh để hội nhập điều này!

Nhưng rồi thực tế lịch sử cho thấy đúng là điều này đã và đang giết chết bóng đá. Bóng đá Việt Nam yếu đi bởi nhiều lý do nhưng cũng có phần đóng góp không nhỏ của cái vòi bạch tuộc này. Hãy chờ xem Europol sẽ xử lý vụ dàn xếp có quy mô lớn nhất này như thế nào, nhưng chắc hẳn không có chuyện “đập chuột sợ vỡ bình” để cứ phải duy trì một nền bóng đá không đủ trong sạch. Đó là điều mà các nhà quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam cần tham khảo.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục