Bóng đá Indonesia, vì đâu nên nỗi?

Indonesia vừa bị FIFA rút quyền đăng cai U20 World Cup cho dù sự kiện này chỉ còn 2 tháng nữa là khởi tranh. Điều đó cho thấy FIFA đã không thể “chịu đựng” được nữa và họ buộc phải sửa sai theo kiểu bất chấp hậu quả. Uy tín của bóng đá Indonesia và hình ảnh đất nước vạn đảo trên bờ vực suy giảm nghiêm trọng. Tổng thống Joko Widodo buộc phải “lệnh” cho Chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI), tỷ phú Erick Thohir, bay gấp sang Zurich (Thụy Sĩ) nhằm cứu vãn tình hình.
Indonesia bị FIFA rút quyền đăng cai U20 World Cup dù sự kiện này chỉ còn 2 tháng nữa là khởi tranh.
Indonesia bị FIFA rút quyền đăng cai U20 World Cup dù sự kiện này chỉ còn 2 tháng nữa là khởi tranh.

Không biết hệ quả ra sao, nhưng có những câu hỏi vẫn luôn treo lơ lửng bấy lâu nay: Vì sao một đất nước với 275 triệu dân và vô cùng cuồng nhiệt bóng đá lại chưa bao giờ có một đội bóng tử tế? Vì sao sự hỗn loạn của bóng đá Indonesia đã biết trước, với không ít lệnh trừng phạt từ FIFA, nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi?

Bóng đá Indonesia đã rối ren thì nay càng trở nên phức tạp. Sau vụ bạo loạn xảy ra trên sân vận động Kanjuruhan vào tháng 10-2022 khiến 135 người thiệt mạng, ông Mochamad Iriawan từ chức Chủ tịch trước Đại hội bất thường diễn ra hôm 16-2. Sự trở lại của cựu Chủ tịch CLB Inter Milan, ông Erick Thohir như sự bảo chứng cho các chiến lược tương lai xa cùng bóng đá Indonesia. Nhiệm vụ đầu tiên của ông Erick là làm sao giữ được quyền đăng cai U20 World Cup 2023 nhưng như đã biết, xôi hỏng bỏng không. Hàng triệu USD được đầu tư cho cơ sở vật chất ở 6 sân vận động tại 6 thành phố. Các kế hoạch quảng bá, đưa hình ảnh bóng đá nước nhà ra thế giới cũng được đầu tư bài bản. PSSI còn mời cựu HLV từng dẫn dắt Hàn Quốc tại World Cup, ông Shin Tae-yong về làm việc và giao cả nền bóng đá vào tay với mức lương cao để đảm nhận luôn đội U20 Indonesia và xây dựng chiến lược bài bản cùng nền tảng phát triển. Các cầu thủ trẻ Indonesia, thế hệ mới do ông Shin đào tạo, mất dịp thuận lợi để chơi bóng ở sân chơi lớn như U20 World Cup. Công sức của nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ “đổ sông, đổ biển”.

Hàng triệu USD được đầu tư tổ chức giải giờ sẽ “đổ sông, đổ biển”.

Hàng triệu USD được đầu tư tổ chức giải giờ sẽ “đổ sông, đổ biển”.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Erick Thohir đã kêu gọi “đại tu toàn diện” PSSI. Tuyên bố này là sự thừa nhận về cái gọi là sự “can thiệp thô bạo” của giới chức chính trị vào bóng đá khiến mọi thứ không bao giờ đi đúng hướng. Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nhưng thứ hạng FIFA hiện nay của Indonesia chỉ là 152. Điều thú vị là đội bóng “Đỏ và Trắng” này chính là đại diện đầu tiên của châu Á dự World Cup vào năm 1938, khi họ thi đấu với tư cách là Đông Ấn Hà Lan.

Bóng đá ở Indonesia đã gần chạm đến từ ngữ thiêng liêng “Agamaku bola”, nghĩa là “Tôn giáo bóng đá”. Ước tính có khoảng 180 triệu người Indonesia đã xem World Cup 2022, tức là trung bình 3 người dân thì có 2 là CĐV của Túc cầu giáo. Nhưng phải chăng, chính niềm đam mê đó là tạo ra vô vàn thứ phức tạp trên thượng tầng quản lý. Cựu chủ tịch PSSI, Nurdin Halid đã bị bỏ tù vào năm 2007 vì liên quan đến vụ bê bối phân phối dầu ăn nhưng vẫn tiếp tục lãnh đạo tổ chức này… từ phòng giam của mình. Từ năm 2010 đến 2013, PSSI đã sử dụng sai mục đích hơn 1,8 triệu USD quỹ Chính phủ nhằm hỗ trợ các chương trình phát triển bóng đá trẻ. PSSI chịu trách nhiệm phân phối thu nhập từ bản quyền phát sóng, có thể vượt quá 13 tỷ USD mỗi năm, cho các đội bóng đá trong nước, nhưng thường chỉ một nửa đến được với các CLB do tham nhũng. Vào năm 2018, một Giám đốc điều hành của PSSI đã từ chức sau khi một đoạn ghi âm xuất hiện trong đó anh ta đưa hối lộ 10.000 USD cho HLV CLB Madura FC để can thiệp kết quả một trận đấu phân hạng. Một năm sau, Chủ tịch lâm thời Joko Driyono bị kết án 18 tháng tù vì tội dàn xếp tỷ số.

Đấu đá nội bộ giữa các phe phái chính trị càng khiến PSSI gặp khó khăn. “Nếu bạn có thể kiểm soát bóng đá, bạn đã đi được một nửa chặng đường kiểm soát Indonesia” một quan chức của PSSI từng nói. Vào cuối những năm 1970, Tổng thống Suharto đã chỉ định trợ lý thân cận của mình là Bardosono lãnh đạo PSSI. Đầu những năm 2000, PSSI đã thực sự trở thành một công cụ chính trị dưới thời Chủ tịch Halid, người có quan hệ chặt chẽ với đảng chính trị Golkar. Sau Halid, Đảng Dân chủ cầm quyền của Indonesia dưới thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã bổ nhiệm ứng cử viên ưa thích của mình, Djohar Arifin Husein, làm Chủ tịch và chọn một quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ để quản lý đội tuyển quốc gia.

Tổng thống Joko Widodo trong cuộc gặp mới đây với Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino

Tổng thống Joko Widodo trong cuộc gặp mới đây với Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino

Thượng bất chính thì hạ tất loạn. 10 tuyển thủ quốc gia Indonesia đã bị kết tội nhận hối lộ và bị cấm thi đấu suốt đời trước thềm Asiad 1962 tại Jakarta. Năm 1998, hậu vệ Mursyid Effendi của Indonesia đã cố tình đá phản lưới nhà trước Thái Lan và bị FIFA cấm thi đấu suốt đời. Hai thập kỷ sau, trận thua 0-10 trước Bahrain ở vòng loại World Cup 2014 đã châm ngòi cho một cuộc điều tra quốc tế. Vào năm 2015, FIFA đã cấm Indonesia tham gia tất cả các giải đấu quốc tế vì sự can thiệp quá mức của chính phủ vào bóng đá trong nước cũng như cuộc “nội chiến” với 2 Liên đoàn, 2 giải đấu và 2 đội tuyển quốc gia được thành lập cùng lúc. Còn theo Save Our Soccer, 74 CĐV đã chết vì bạo lực liên quan đến bóng đá kể từ năm 1994.

Những lời kêu gọi giải tán PSSI và những lời chỉ trích lãnh đạo của nó không phải là mới nhưng dường như rất ít thay đổi. Ngay cả khi xảy ra thảm họa tại sân Kanjuruhan, chẳng có quan chức nào của PSSI tự nguyện từ chức hay nhận trách nhiệm. Nhiều người chỉ trích FIFA vì đã đồng lõa với bê bối dai dẳng của PSSI, chủ yếu chỉ can thiệp vào Indonesia khi lợi ích của chính FIFA bị đe dọa. FIFA đã từ chối xử phạt Indonesia sau thảm kịch sân vận động Kanjuruhan, mặc dù cảnh sát địa phương đã bắn 45 phát hơi cay bên trong sân vận động, điều mà quy định của FIFA nghiêm cấm. Rốt cục thì FIFA cũng không thể im lặng mãi được nữa…

Công bằng mà nói, không chỉ có Indonesia, bóng đá ở 2 quốc gia tỷ dân Trung Quốc, Ấn Độ cũng không khá hơn là bao nhưng cái khác biệt ở chổ tại Indonesia, bóng đá là niềm đam mê và cứu cánh của người dân trong cuộc sống và nó đã bị lợi dụng để khai thác cho các mục đích riêng đến mức chẳng còn gì để phát triển. Bị FIFA rút quyền đăng cai U20 World Cup chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.

Tin cùng chuyên mục