Bàn về bóng đá trả tiền

Bàn về bóng đá trả tiền

Tại sao lại phải trả tiền khi chúng ta hoàn toàn có thể xem bóng đá miễn phí? Vấn đề xem bóng đá “chùa” hóa ra không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là câu chuyện toàn cầu. Hãy cùng tìm hiểu xem liệu xem bóng đá miễn phí qua Internet là tương lai hay là mối đe dọa đến cấu trúc tài chính của môn thể thao vua.

Chủ nhật ngày 13-5-2012, Man.City - Queens Park Rangers, phút thứ 93. Vào thời điểm ấy, trận đấu tại Sunderland đã kết thúc và Man.United chuẩn bị ăn mừng chức vô địch Anh thứ 20 trong lịch sử. Tại Etihad, cú ném biên của QPR bị hóa giải và Man.City tổ chức phản công. Kun Aguero chuyền bóng cho Mario Balotelli đang đứng trong vòng cấm, lao lên nhận đường chuyền bật tường và tung cú sút thành bàn, mang về chức vô địch Premier League đầu tiên cho Man.City sau 44 năm.

Bạn hãy lui về khoảng vài giây, tức Aguero nhận đường trả bóng của Balotelli, vung chân lên và... màn hình mất tín hiệu. Chuyện ấy sẽ không bao giờ (hoặc hiếm khi) xảy ra nếu bạn xem truyền hình trả tiền, nhưng lại là… chuyện cơm bữa nếu theo dõi trận đấu miễn phí qua Internet. Với việc những đường truyền miễn phí (và tất nhiên là bất hợp pháp) rất dễ dàng bị phát hiện và xóa sổ bởi cảnh sát mạng, chuyện trận đấu của bạn phải kết thúc hay gián đoạn giữa chừng là rất phổ biến. Cứ tưởng tượng cảm giác trận đấu đang căng thẳng, một quả tạt vào trong đưa bóng đến vị trí dứt điểm thuận lợi của tiền đạo, mạng đứng lại, đến khi có tín hiệu thì các cầu thủ đang ôm nhau ăn mừng rồi. Khoảnh khắc lưới rung sau pha dứt điểm đã qua đi và cảm giác sung sướng ấy không bao giờ trở lại nữa.

Những pha bóng hay đột nhiên mất tín hiệu - chuyện xảy ra thường xuyên khi bạn xem bóng đá trực tuyến.

Những pha bóng hay đột nhiên mất tín hiệu - chuyện xảy ra thường xuyên khi bạn xem bóng đá trực tuyến.

Vậy thì tại sao rất nhiều người (ở Anh có đến 49% số người xem bóng đá trực tiếp) lại chọn phương án “bóng đá - Internet”? Tại sao những đường link miễn phí ấy lại trở thành hiểm họa cho những người giữ bản quyền trị giá hàng tỷ bảng Anh, cố mang đến cho bạn những hình ảnh có độ phân giải tốt nhất. Đâu mới là tương lai của việc xem bóng đá trực tiếp?

Chuyện gì xảy ra thế?

Chuyện tìm một đường link để xem bóng đá trực tuyến ngày nay rất đơn giản. Chỉ cần nhờ “anh Gúc” hoặc đăng một status trên Facebook, nhấp vào đó là trận đấu sẽ mở ra trước mắt bạn. Nhưng kể từ đó, màn “vừa xem vừa cầu nguyện” bắt đầu. Tim, một người có vé mùa của Arsenal nhưng buộc phải xem online vì không có điều kiện đến xem một trận đấu, nói: “Bạn phải mở nhiều cửa sổ cùng lúc để tránh thảm họa. Tôi đã bỏ lỡ xem nhiều pha ghi bàn chỉ vì quảng cáo bung ra trong lúc xem”.

Một CĐV khác tại Australia cũng gặp tình huống tương tự khi cố tìm xem các trận đấu tại Italia, Hà Lan, những giải mà Australia không có bản quyền phát sóng. “Tôi xem trận đấu tại vòng 16 đội Champions League giữa APOEL và Lyon. Đến loạt sút luân lưu, ngay quả quyết định, khi bình luận viên hét lên: “Đảo Síp sắp có đại diện vào tứ kết” thì tôi nhìn vào màn hình và tự hỏi: “Chuyện quái gì xảy ra thế”. Tín hiệu mất tăm và tôi buộc phải lên Twitter để xem APOEL có sút thành công quả quyết định không”.

Khi pha bóng đã qua đi, bạn không cách gì “tua” lại. Khoảng thời gian tuyệt vời nhất của trận đấu đã trôi qua vĩnh viễn. Đó là chuyện bình thường khi xem bóng đá trực tuyến. Một đường link có thể bị cảnh sát mạng đánh sập dễ dàng như kéo một tay say rượu ra khỏi quán bar. Premier League mùa trước, đã có 30.000 đường link kiểu đó bị giật sập. Tỷ lệ rớt mạng khi xem một trận Premier League trực tuyến là... 75%. Giải đấu này cũng cho biết: 90% các đường link bị hủy trong thời gian trận đấu diễn ra.

Và cũng xin nhắc lại cho bạn đọc rõ: xem bóng đá qua Internet là một hành động phạm pháp. Nhưng bởi vì việc truy cứu những người xem trực tuyến là không thể, cảnh sát đành phải ngăn chặn ngay từ đầu cung cấp. Người xem bóng đá “chùa” cũng như tải nhạc “chùa” ở nước ta phản ứng lại việc phải trả tiền cho những dịch vụ đó, nhưng tôn trọng bản quyền là một nghĩa vụ mà bất kỳ người tôn trọng luật lệ nào cũng phải tuân theo. Ở Anh, có một tổ chức tên là Net Result. Nhóm này chỉ có duy nhất nhiệm vụ: phá sập những đường link vào giờ diễn ra các trận trực tiếp. Cứ 10 đường bị đánh sập thì hết 9 đường bị vô hiệu hóa chỉ sau vài phút đầu.

Xem bóng đá trả tiền là giúp phát triển môn thể thao vua

Nếu ở Anh, bạn có quá nhiều kênh để theo dõi một trận đấu Premier League từ Sky Sports, ESPN, tất cả các pha bóng đẹp được BBC ghi lại, các clip trên Yahoo cũng ngập tràn. Vậy mà vẫn có người thích “xem chùa”, nói chi đến ở Việt Nam. Nhưng bạn cần phải hiểu: xem bóng đá trả tiền chính là chung tay góp một phần nhỏ để giúp phát triển môn thể thao vua.

Số tiền mà Premier League thu được từ bán bản quyền được dùng để tái đầu tư vào các hạng mục như đào tạo trẻ, bóng đá cơ sở và các giải đấu hạng thấp hơn. Hơn 2 tỷ bảng từ bản quyền đã được chi cho việc xây dựng và nâng cấp sân vận động. Mà tất cả những việc đó được thực hiện xuất phát từ nhu cầu của người xem muốn thấy những sân vận động tốt hơn, những cầu thủ giỏi hơn và những trận đấu hay hơn. Johnson, người phụ trách tài chính của Premier League, nói: “Tất cả những điều đó đang bị đe dọa bởi bóng đá trực tuyến. Vậy thì các CĐV cần phải tự hỏi lại chính mình là họ muốn gì? Bóng đá chất lượng trên màn hình có độ phân giải cao để góp phần phát phát triển trò chơi này hay chỉ là một đường link chất lượng kém nhưng miễn phí?”.

Khi tình hình quảng cáo trở nên khó khăn, bản quyền truyền hình cũng trở thành nguồn cung cấp tài chính chủ yếu, nếu như không muốn nói là phao cứu sinh của các CLB. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bản quyền các quốc gia từ chối mua bản quyền vì lượng người xem “chùa” tại nước mình quá đông và việc kinh doanh truyền hình thu phí không hiệu quả?

Hiểm họa từ bóng đá trực tuyến

Khi không cấm được mại dâm, người ta sẽ... xã hội hóa nó. Bóng đá trực tuyến rồi cũng sẽ như thế. Đã có nhiều thử nghiệm về việc thu phí cho người xem bóng đá trực tuyến. Điểm lợi của việc này: những đường link sẽ an toàn hơn, chất lượng cao hơn và bạn sẽ không phải chịu đựng nhưng lời bình luận thô tục của những người đang xem cùng trong ô bình luận. Nghĩa là bóng đá đang đi trên con đường của việc tải nhạc thu phí.

Trận đấu tại vòng loại cúp FA giữa Ascot United và Wembley FC được thử nghiệm phát sóng trên Facebook. Kết quả là chỉ có 1.000 khán giả đến sân, trong khi có đến 30.000 người xem trực tuyến. Người ta cũng đo được trận vòng loại World Cup 2010 giữa Anh và Ucraina thu hút đến nửa triệu người xem qua màn hình vi tính vì không có một công ty nào của Anh mua được bản quyền. Có một hiểm họa lớn là khi bóng đá trở nên quá dễ dàng với người xem (chỉ cần máy tính và mạng Internet) thì người ta sẽ dần mất thói quen đến sân. Ở Anh, lệnh cấm phát sóng những trận đấu từ 3 giờ đến 5 giờ chiều ngày thứ Bảy chính là mục đích lôi kéo khán giả đến sân. Roy Jones từ Đại học Loughborough nói: “Chúng ta đã có thể nhìn thấy viễn cảnh trong tương lai là không còn ai muốn trực tiếp đến sân nữa. Từ HD lên đến 3D, khán giả sẽ thích ngồi trước màn hình hơn”.

Và cứ thế, bóng đá trực tuyến trở thành một mối nguy hại đến môn thể thao vua và chính những người đang mải miết tìm những đường link đang tự giết chết bộ môn mà mình yêu thích. 

HOA VINH

Tin cùng chuyên mục