Bài toán khó giải của ông Sepp Blatter

Vụ cáo buộc tham nhũng ở FIFA:

Đã có nhiều diễn biến mới xung quanh việc hàng loạt lãnh đạo FIFA bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ do những cáo buộc về tham nhũng từ Cơ quan điều tra Hoa Kỳ.

Tại Trinidad và Tobago, 1 trong 14 cái tên trong danh sách bị truy tố là cựu Phó Chủ tịch FIFA, Jack Warner đã đến nộp mình với cơ quan chức năng, sau khi lệnh bắt giữ ông này được ban hành. Người đàn ông 72 tuổi này đã được tại ngoại sau khi nộp 2,5 triệu USD tiền bảo lãnh. Được biết, Jack Warner đã đến cơ quan cảnh sát tại thủ đô Port-of-Spain cùng với 1 luật sư, nhưng chưa hề đưa ra bất cứ lời bào chữa nào cho bản thân mình, trước khi chính thức ra tòa vào ngày 12-7 tới. Jack Warner đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ của mình ở FIFA sau một vụ bê bối hối lộ vào năm 2011.

Một thông tin quan trọng trong bản cáo buộc dài 164 trang của Cơ quan Chưởng lý Hoa Kỳ mới được tiết lộ. Theo đó, 14 lãnh đạo FIFA bị cáo buộc là đã nhận hối lộ tổng số tiền 10 triệu USD thông qua tài khoản của Jack Warner và Chuck Blazer, để họ giành phiếu bầu của mình cho quyền đăng cai vòng chung kết World Cup 2010 tại Nam Phi. Trên thực tế, chỉ có Chủ tịch Sepp Blatter, Tổng thư ký Jerome Valcke và Giám đốc Tài chính Markus Kattner được cho là có thẩm quyền ký tắt vào các khoản thanh toán với mức tiền này, nhưng tất cả các trung tâm nghi ngờ hiện nay lại đang đổ dồn về Chủ tịch Ủy ban Tài chính cuối năm, Julio Grondona của Argentina.

Đối với cuộc bầu cử sắp tới của FIFA, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã gây sốc khi đe dọa sẽ tẩy chay sự kiện này, với một tuyên bố nói rõ “UEFA rất sốc và đau buồn. Những sự kiện này cho thấy, một lần nữa, rằng nạn tham nhũng đã ăn sâu vào văn hóa của FIFA. FIFA cần phải được “khởi động lại một cách triệt để. Cuộc bầu cử sắp tới tại FIFA có nguy cơ bị biến thành “một trò hề” và do đó, các thành viên của châu Âu sẽ xem xét một cách cẩn thận việc có nên tham dự hay không”.

Jack Warner (phải) khi còn là Phó Chủ tịch FIFA.

Trong một diễn biến khác, UEFA cũng quyết định sẽ không trao bất cứ một tấm vé dự khán trận chung kết Champions League mùa giải này giữa Barcelona và Juventus cho bất cứ một lãnh đạo nào của FIFA. Thông thường, FIFA sẽ nhận được 50 vé hạng VIP dành riêng cho trận chung kết giải đấu. Tuy nhiên, một thành viên của UEFA cho biết chủ tịch Michel Platini phải “có những sự ưu tiên khác”. Quyết định này có thể làm hằn sâu thêm mối quan hệ vốn “cơm không lành canh không ngọt” giữa 2 cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới này.

Cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu, ông Lennart Johnasson, cũng vừa phát biểu rằng, với những bê bối đang được điều tra, cần phải có sự xem xét lại những quyết định về quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 tại Nga và Qatar. Ông  Lennart Johnasson từng thất bại trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch FIFA trước Sepp Blatter năm 1998, giờ đây khẳng định: “Tôi không ngạc nhiên với những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, việc cần làm là phải xem lại về những nơi đăng cai tổ chức các kỳ World Cup sắp tới. Chính Sepp Blatter cũng từng nói việc đưa giải đấu về phương Đông là sai lầm, nên chúng ta hãy chờ xem. Tôi muốn được xem World Cup 2018 tại Anh, quê hương của bóng đá. Nhưng giải đấu này đã không hiện diện tại đây từ năm 1966”.

Trong khi đó, tại Anh, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), ông Greg Dyke, đã đưa ra quan điểm của mình trước những bê bối vừa qua của FIFA. Theo ông, “Đã không còn bất cứ cơ hội nào để FIFA gây dựng lại niềm tin dành cho mình, khi Sepp Blatter phụ trách. Sepp Blatter nên ra đi”. Đây là một đòn giáng mạnh vào tham vọng tái đắc cử của đương kim Chủ tịch FIFA, khi cuộc bầu cử tân chủ tịch sắp sửa diễn ra, và ông lại mất đi sự ủng hộ của một trong những thành viên quan trọng trong hệ thống. Ông Dyke cho biết “Tôi nghĩ cuộc bầu cử nên được hoãn lại vì những sự việc vừa qua. Thực tế Sepp Blatter đã đánh mất hết niềm tin của chúng tôi qua những bê bối vừa rồi”.

Về phần mình, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter phản ứng với những lời cáo buộc với tổ chức mà ông phụ trách: "Thật không may khi những sự kiện này xảy ra, nhưng cần rõ ràng rằng chúng tôi hoan nghênh các hành động và các cuộc điều tra của các nhà chức trách Mỹ và Thụy Sĩ, và tin rằng nó sẽ giúp FIFA tìm hiểu đến tận gốc rễ những việc sai trái trong hoạt động bóng đá. Hãy để tôi được nói rõ ràng: hành vi sai trái như vậy không có chỗ trong bóng đá, và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng, bất cứ ai tham gia vào những hoạt động như vậy sẽ bị loại trừ".

VŨ ĐỨC NGUYÊN


Lịch sử bê bối của FIFA

Với vụ nhiều lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) bị bắt vì nhận hối lộ ngay trước thềm bầu cử diễn ra vào 29-5, FIFA lại có thêm một vụ bê bối dưới thời Chủ tịch Sepp Blatter khi uy tín của liên đoàn đang xuống rất thấp. Dưới đây là một số vụ bê bối diễn ra dưới thời của Sepp Blatter từ khi ông đảm nhiệm chức chủ tịch vào năm 1998.

Sự kiện giải vô địch bóng đá thế giới năm 2022 được tổ chức tại Qatar đã gây rất nhiều bất ngờ, lý do là từ trước đến nay Qatar chưa hề được biết với vai trò một quốc gia phát triển bóng đá. Nhiệt độ khắc nghiệt của vùng đất này cũng là một thử thách lớn đối với các đội bóng tham gia. Do vậy các thành viên của hội đồng điều hành FIFA bị nghi ngờ đã bị mua chuộc khi biểu quyết, thậm chí tờ Sunday Times còn nói rằng họ có bằng chứng cụ thể chứng minh cả triệu USD đã được trả để mua phiếu cho Qatar.

Vé lậu trong các kỳ World Cup vẫn là một vấn đề nan giải. Nhiều lãnh đạo FIFA đã bị điều tra vì nghi ngờ đến đường dây tuồn vé lậu ra thị trường với giá cao gấp nhiều lần giá thật. Ngay trước khi World Cup 2014 diễn ra tại Brazil, cảnh sát đã phát hiện hàng ngàn chiếc vé lậu được bán ra với giá trị lên đến hàng triệu USD, nhóm đối tượng bị cáo buộc nhiều khả năng được thông qua một mối quan hệ tại cơ quan quản lý cấp cao của bóng đá thế giới - FIFA.

“Kỷ nguyên” của Sepp Blatter luôn đi liền với những vụ bê bối.

Trong khi đó, theo báo cáo của các công tố viên Thụy Sĩ, cựu Chủ tịch FIFA Joao Havelange nhận hối lộ ít nhất 1,53 triệu USD để dùng ảnh hưởng của mình giúp Công ty quảng cáo ISL (International Sport and Leisure)  kiếm hợp đồng quảng cáo tại các giải đấu do FIFA tổ chức. Vụ việc bị vỡ lở khi ISL bị phá sản vào năm 2001 và các tài liệu do ISL cung cấp đã giúp các công tố viên tìm ra được số tiền tham nhũng của các lãnh đạo FIFA. 

Bê bối trong bầu cử Chủ tịch FIFA năm 2011. Khi đối thủ nặng ký Bin Hammam bị loại khỏi cuộc tranh cử và phần thắng chắc chắn thuộc về Sepp Blatter, hàng loạt liên đoàn bóng đá thành viên yêu cầu hoãn cuộc bầu cử do nghi ngờ có hối lộ. Các nhà tài trợ chính của FIFA như Coca Cola, adidas hay Emirates cũng lo ngại đối với những vụ việc tiêu cực này. Tuy nhiên ông Blatter vẫn khẳng định rằng FIFA không hề khủng hoảng và vẫn tiến hành cuộc bầu cử một cách bình thường.

QUANG LONG

>> Tiếp vụ bê bối tại FIFA: Jack Warner “nộp mình”

Tin cùng chuyên mục