Học viện Bóng đá: Xu hướng hay thương vụ kinh doanh?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có ít nhất 2 nhà đầu tư im lặng hủy kế hoạch thành lập học viện bóng đá tại Việt Nam dù đã lên lịch họp báo giới thiệu đối tác đến từ châu Âu. Mọi thứ đều xuất phát từ những đánh giá quá đặc biệt của VFF dành cho Học viện HA.GL - Arsenal JMG mà theo họ, nó vừa phiến diện lại vừa thiếu công bằng, dẫn đến rủi ro quá lớn cho đầu tư học viện.
Chưa phải là chuẩn
Xét một cách công bằng, lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HA.GL - Arsenal JMG vượt trội về mặt kỹ thuật. Một người khó tính như ông Lê Thụy Hải còn thừa nhận “cả đời làm bóng đá chưa thấy lứa trẻ nào được đào tạo bài bản như thế”. Nhưng nếu công bằng thì cũng phải thấy rằng về mặt thành tích, đội U.19 với nòng cốt của Học viện HA.GL hoàn toàn không hơn gì so với những đội U.19 trước đây của VFF. Sự hơn hẳn về mặt kỹ thuật rất dễ giải thích, bởi quá trình đào tạo suốt gần 7 năm trời, thế nhưng chưa thể vội kết luận mô hình của Học viện HA.GL thành công.
Như đã nói, dù là hình thức nào, quá trình đào tạo bóng đá trẻ chỉ thành công một khi cầu thủ trưởng thành, có chỗ đứng hẳn hoi. “Sản phẩm” đào tạo có thể tốt, nhưng trong quá trình sử dụng có thể kém chất lượng và không được bền lâu, thì đâu có thể xem là thành công. Lứa U.19 của Học viện HA.GL ngay khi ra trường đã được “ấm chỗ” tại U.19 quốc gia, sau đó đưa thẳng lên đội 1 của HA.GL theo cơ chế đặc biệt, hoàn toàn chưa trải qua giai đoạn sàng lọc nên chưa thể đánh giá chính xác được.
Kế đến, tiêu chí hàng đầu của học viện là kinh doanh chứ không phải là nhằm phục vụ cho “tương lai bóng đá nước nhà”. Nếu học viện “sản xuất” nhiều cầu thủ tốt, đi Đông đi Tây thành công, tự nhiên bóng đá nước nhà sẽ có tương lai. Hơn nữa, trách nhiệm ấy thuộc về VFF, nơi đã từng được FIFA tài trợ 400.000 USD cũng như được Chính phủ bố trí đất đai để xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, nhưng phần lớn số tiền của FIFA chỉ dùng xây trụ sở, không có hoạt động đào tạo.
Học viên Học viện HAGL - Arsenal JMG tập luyện. Ảnh: MINH TUẤN
Học viện cá biệt?
Khi VFF công khai đánh giá mô hình Học viện HA.GL - Arsenal JMG là “chuẩn mực”, khiến những nhà đầu tư buộc phải ngậm ngùi dẹp dự án. Một nhà đầu tư cho biết, học viện là mô hình kinh doanh nhưng tại Việt Nam, nếu không có sự ủng hộ của địa phương về đất đai, cơ chế thì cầm chắc 100% phá sản do chi phí này ngốn 70-80% vốn đầu tư ban đầu. Với thể trạng của người Việt, sẽ là ảo tưởng khi cho rằng sản phẩm của học viện sẽ được bán sang châu Âu hay thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc. Như vậy, đầu ra của Học viện khả thi nhất vẫn là bóng đá trong nước hoặc chỉ là khu vực Đông Nam Á.
Chưa nói, các học viện còn phải cạnh tranh với hàng chục trung tâm bóng đá địa phương với nguồn ngân sách nhà nước chuyên đào tạo cầu thủ trẻ mà gần như tỉnh nào cũng có, thêm vào đó là những “lò” đào tạo trực thuộc các CLB. Như vậy, nếu tư nhân đầu tư 100% từ cơ sở vật chất đến kinh phí đào tạo thì gần như không tưởng.
Ấy thế nhưng, khi VFF công khai “khen” Học viện HA.GL như hình mẫu thì đương nhiên các địa phương sẽ chẳng cho cơ chế, đất đai với những nhà đầu tư học viện, bởi tại sao HA.GL chẳng xin gì cả mà làm được, các ông vì sao lại xin?
Đâu phải ai cũng biết là mô hình Học viện HA.GL hiện nay giống như một “lò” đào tạo cầu thủ cho CLB HA.GL hơn là học viện. Cái ‘lò” ấy được rót tiền trực tiếp từ Tập đoàn HA.GL theo kiểu “kinh doanh không cần lời”. Nếu xem đó là chuẩn thì mấy ai tại Việt Nam có đủ khả năng làm.
Lời kết
Chưa thể kết luận Học viện HA.GL - Arsenal JMG thành công hay không bởi vẫn cần có thời gian để đánh giá, nhưng với những gì đã xảy ra với Học viện JMG toàn cầu, với việc bầu Đức phải đôn cả lứa U.19 lên V-League vì không bán được sang châu Âu, với những mô hình vẫn đang chứng minh tính hiệu quả của công tác đào tạo trẻ tại SLNA, SHB Đà Nẵng hay các hoạt động liên kết đào tạo của Trung tâm Viettel , PVF, VST với các CLB tại V-League, có thể tạm kết luận: Bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể có mô hình học viện bóng đá đúng nghĩa. Vì vậy, những mô hình tương tự như Học viện HAGL - Arsenal JMG nếu có xuất hiện trong thời gian tới chủ yếu cũng chỉ là thương vụ kinh doanh, làm thương hiệu là chính.
Việt Quang - Khoa Đăng
>> Bài 3: Học viện bóng đá “kiểu Việt Nam”
>> Bài 2: Tìm hiểu mô hình học viện Arsenal - JMG
>> Bài 1: Sự khác nhau giữa học viện và “lò”