Học viện Bóng đá: Xu hướng hay thương vụ kinh doanh?
JMG là chữ viết tắt của Jean Marc Guillou, cựu tuyển thủ Pháp (từ năm 1974-1978) và từng là thầy dạy của HLV Wenger. Đây là một tổ chức chuyên đào tạo bóng đá trẻ hoạt động theo mô hình công ty tư nhân, khởi đầu từ học viện bóng đá đầu tiên tại Bờ Biển Ngà vào năm 1994. Theo thông báo của JMG thì đã có 10 học viện được mở trên toàn cầu.
Bản chất là một đơn vị kinh doanh
Năm 1993, ông Jean Marc Guillou sang Abidjan làm quản lý kiêm HLV trưởng cho CLB ASEC Mimosas - một đội bóng mạnh, giàu truyền thống nhất của Bờ Biển Ngà. Ông J.M.Guillou cùng ASEC Mimosas và Tập đoàn Sifcom mở Học viện Mimosifcom JMG (tức Abidijan JMG) vào năm 1994.
Như vậy, khởi nguồn của JMG vốn dĩ là một “lò” đào tạo cho một CLB, nhưng chính thành công của 2 khóa đầu tiên tại Bờ Biển Ngà với những ngôi sao đình đám ở châu Âu sau này đã dẫn đến nguồn gốc ra đời của Học viện JMG với mục đích rất cơ bản: nhượng quyền thương hiệu và đào tạo cầu thủ để bán cho thị trường châu Âu. Cách thức hoạt động của JMG cũng từ đó đa dạng hơn. Đầu tiên là hình thức tự phối hợp với CLB để mở học viện như tại Bờ Biển Ngà hay Mali, Ghana hoặc ở tầm cao hơn như hồi năm 1999, đích thân Tổng thống Madagascar là Ratsiraka mời ông J.M.Guillou đầu tư tiếp một Học viện JMG khác tại Mandagascar - một quốc gia có nền bóng đá kém phát triển ở châu Phi, với hy vọng tạo nên “kỳ tích” khác như tại Bờ Biển Ngà. Hình thức kế tiếp đó là hợp tác đầu tư như tại JMG Thailand. Học viện đầu tiên của châu Á này ra đời từ ý tưởng của Jean Francois Couet, vốn là một nhà đầu tư người Bỉ có 20 năm làm ăn tại Thái Lan, trong đó JMG Academy chịu trách nhiệm về chương trình chuyên môn, kỹ thuật huấn luyện và phía đối tác tại Thái Lan lo về vấn đề tài chính, vốn đầu tư và JMG Thailand nhận sự ủng hộ về chuyên môn, cố vấn từ CLB Arsenal và HLV Wenger.
Riêng tại Việt Nam, vốn đầu tư là của HA.GL và đặc biệt là có gắn tên của Arsenal như một đối tác chiến lược. Điều này có thể hiểu nôm na là bầu Đức phải bỏ ra một khoản tiền để được “gắn tên” và HA.GL - Arsenal - JMG là học viện có tính chất “bảo chứng” tốt nhất trong hệ thống JMG toàn cầu.
Lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá HAGL - JMG Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Thành công tính trên hiệu quả kinh doanh
Dù là hình thức đầu tư nào, cách thức vận hành ra sao thì sự thành công của JMG phải dựa trên việc bán cầu thủ. Vì nguyên tắc này mà dẫn đến hàng loạt sự đóng cửa của các JMG toàn cầu.
Không giống như JMG Bờ Biển Ngà, suốt 12 năm mở trường, Học viện Mandagascar JMG đã tuyển sinh được 3 khóa với 48 học viên. Dù đạt chất lượng tốt khi đã có 15 cầu thủ khoác áo ĐTQG, 7 cầu thủ khoác áo U.23 nhưng chỉ dừng ở mặt bằng trong nước chứ không xuất sắc để vượt biển sang châu Âu. Madagascar JMG xuất khẩu được vài cầu thủ, nhưng chỉ sang Thái Lan hay Algeria. Đến giờ, bóng đá Madagascar vẫn còn rất yếu kém, xếp dưới Việt Nam vài chục bậc trên bảng xếp hạng của FIFA. Năm 2012, Học viện Madagascar JMG đóng cửa, kết thúc việc đào tạo.
Rồi như JMG Bờ Biển Ngà, sau thành công của 2 khóa đầu thì kể từ năm 2002 đến suốt 7 năm sau đó, họ không tạo ra thêm được lứa cầu thủ tài năng mới nào. Năm 2010, Học viện Abijan JMG Bờ Biển Ngà đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
Bi đát nhất là Học viện JMG đầu tiên ở châu Á. Năm 2006, có thông tin Arsenal đã đạt được thỏa thuận ưu tiên mua 2 cầu thủ với giá hơn 50 triệu bath (khoảng 152.000 USD) khi họ tốt nghiệp vào năm 2012. Năm 2009, Arsenal mời 2 học viên của Thailand JMG là Messi Bamba (người Bờ Biển Ngà) và Watyukuthiku (Thái Lan) sang thử việc 12 ngày, nhưng không đáp ứng được yêu cầu.
Sau đó, JMG Thái Lan có thỏa thuận hợp tác với CLB mới nổi của T-League là Muangthong United và cũng chọn được cầu thủ có tên Veerawut Kayem, người sau này được gọi vào tuyển Olympic Thái Lan và năm 2012 được gọi vào ĐTQG, nhưng không chứng tỏ được gì. Ngày 31-3-2012, Học viện Thailand JMG chính thức đóng cửa sau 7 năm hoạt động. Các học viên người Thái của khóa 1 và khóa 2 được đưa về Muangthong United để thử thách ở đội trẻ.
|
Việt Quang - Khoa Đăng
>> Bài 1: Sự khác nhau giữa học viện và “lò”