US Open 2018: Hồi sinh từ đống tro tàn, Djokovic thắng Grand Slam thứ 14

Sáng nay, Novak Djokovic đã đánh bại Juan Martin del Potro với chiến thắng thuyết phục 6-3, 7-6 (7-4), 6-3, để giành danh hiệu Grand Slam thứ 14 trong sự nghiệp. Thắng 2 Grand Slam trong 1 mùa giải, Djokovic đã hồi sinh ngoạn mục, và mới 1 năm trước thôi, anh còn ngập ngụa trong đống tàn tro không thấy tương lai…
Novak Djokovic đã hồi sinh một cách ngoạn mục để giành Grand Slam thứ 14
Novak Djokovic đã hồi sinh một cách ngoạn mục để giành Grand Slam thứ 14
Djokovic là chiến binh cuối cùng trụ lại đến giờ phút cuối cùng, sau khi trải qua những trận chiến thể lực – trí lực khắc nghiệt nhất. Anh đã thắng ở giải đấu mà cả Roger Federer lẫn Rafael Nadal đều không thể trở thành kẻ ngáng đường anh, nhưng ở chung kết, vẫn còn có “Tòa tháp xứ Tandil”, người rất muốn làm sống lại cái ký ức của 9 năm về trước – khi anh này lần lượt hạ Nadal và Federer ở bán kết và chung kết của US Open 2009.

Kịch bản trận chung kết US Open 2009 đã không tái hiện, vì ở trên sân đấu, người ta chứng kiến “một con Rồng đến từ đất nước Serbia” mới vừa khô “mưa bom, bão đạn”. Sáng sớm hôm nay, Djokovic đã chứng minh, thế giới này, không còn thuộc “sở hữu riêng” của Nadal và Federer nữa!

US Open 2018: Hồi sinh từ đống tro tàn, Djokovic thắng Grand Slam thứ 14 ảnh 1 Djokovic đã chứng minh, thế giới này không còn thuộc sở hữu riêng của Nadal và Federer
Với chiến thắng sau 3 ván đấu, Djokovic đã cân bằng thành tích của huyền thoại Pete Sampars, anh cũng đang sở hữu 14 danh hiệu Grand Slam đình đám – hiện anh chỉ còn thua chính Nadal (17 danh hiệu) và Federer (20 danh hiệu) mà thôi. Ngoài ra, cựu số 1 thế giới người Serbia cũng gia nhập hàng ngũ của những huyền thoại từng thắng 3 danh hiệu US Open trở lên, bao gồm Roger Federer, Jimmy Connors và Sampras (cùng có 5 danh hiệu), John McEnroe (4 danh hiệu), Nadal và Ivan Lendl (3 danh hiệu). Anh vẫn chưa hết thời, cũng như Federer và Nadal đã hồi sinh ngoạn mục từ đống tàn tro…

“Việc tôi có thể sánh ngang vai cùng Sampras trong việc sở hữu những danh hiệu Grand Slam đình đám là chuyện vô cùng ý nghĩa. Quả thật là rất khó tin khi bạn nghĩ về điều này. Tôi đã xem ông ấy thi đấu và thắng Wimbledon, tôi trưởng thành với các trận đấu và luôn nghĩ rằng, một ngày nào đó tôi cũng có thể làm được như ông ấy. Giờ đây, thật sự được đứng ở đây với chiếc cúp vô địch trên tay, đó là giấc mơ đã trở thành sự thật”, Djokovic xúc động nói.

Chiến thắng ở New York, và trước đó nữa, ở London, với Nole là đoạn kết cho một chuyến hành trình tưởng chừng là vô định khi đi tìm lại bản ngã của chính mình. À không, thật ra, nó chỉ là khởi đầu cho một sự hồi sinh. Djokovic đã quay trở lại, thật sự quay trở lại, ngày hôm qua, ngày hôm nay, ngày mai và cả ngày hôm kia, để ATP World Tour sôi động hơn thôi.

Một số người có thể ghét anh (thực ra, rất nhiều người là… đằng khác), vì anh đến từ Serbia – một đất nước từng được truyền thông phương Tây “sơn phết” là hiện thân của cái Ác. Người ta có thể ghét anh, vì cách hành xử có phần “hoang dã” ở cả trong lẫn ngoài sân (khi anh cùng tài tử điện ảnh nổi tiếng Gerard Butler hét lên câu nói nổi tiếng: “This is Sparta!”, có người đã dùng từ “barbarian” – “man rợ” để nói về anh). Nhưng, đã đến lúc họ phải chấp nhận sự thật, cái gọi là “chiến binh man rợ” ấy, đã quay trở lại để chuẩn bị chinh phục – và càn quét thế giới quần vợt thêm-một-lần-nữa. 

 Vì đoạn clip này, có người gọi anh là "barbarian"
Có 1 chi tiết khá thú vị, cũng nên được nhắc đến. Khi Djokovic cùng Butler - người đóng vai chính trong bộ phim sử thi nổi tiếng: "300" - cùng sánh ngang vai và hét lên câu: "Đây là Sparta!", đó là thời điểm Djokovic tham dự US Open 2015. Ở đó, anh cũng đã đăng quang ngôi vô địch, danh hiệu Mỹ mở rộng thứ 2.
Khi con Phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn… Khi con Rồng dứt bỏ xiềng xích, thoát ra khỏi ngục tù của bóng tối, khạc lên trời những luồng lửa rực rỡ nhất…

Tin cùng chuyên mục