Thể thao TPHCM sa sút do đâu và trách nhiệm của ai?

Nếu các vận động viên (VĐV) ở những môn chơi mang tính chất cá nhân còn có điều kiện tự thân vận động trong tập luyện và tìm nguồn tài chính cho mình thì những môn mang tính chất tập thể như bóng chuyền, bóng rổ gần như bây giờ đang trở lại thời bao cấp. Nguồn chi phí hoạt động hoàn toàn từ ngân sách đào tạo được phân bổ của ngành thể thao. Hiện trạng của thể thao TPHCM hiện nay có thể nói tóm gọn: Yếu và rối.
Thể thao TPHCM sa sút do đâu và trách nhiệm của ai?

Nếu các vận động viên (VĐV) ở những môn chơi mang tính chất cá nhân còn có điều kiện tự thân vận động trong tập luyện và tìm nguồn tài chính cho mình thì những môn mang tính chất tập thể như bóng chuyền, bóng rổ gần như bây giờ đang trở lại thời bao cấp. Nguồn chi phí hoạt động hoàn toàn từ ngân sách đào tạo được phân bổ của ngành thể thao. Hiện trạng của thể thao TPHCM hiện nay có thể nói tóm gọn: Yếu và rối.

  • Mạnh ai nấy làm

Dân trong giới kinh doanh không ai lạ gì khả năng của ông Phạm Phú Ngọc Trai và ông Lê Hùng Dũng, vậy mà họ đều quả quyết từ chức chủ tịch liên đoàn bóng chuyền, bóng đá khi nhiệm kỳ mới qua được một nửa.

Trước đó, còn có ông Hà Thanh Hùng ở môn quần vợt và bà Huỳnh Ngọc Liên ở môn cầu lông. Lý do từ chức chỉ từ một nguyên nhân: Mọi nỗ lực của họ hầu như không thể thay đổi sự trì trệ từ cơ chế nhập nhằng giữa liên đoàn xã hội và bộ phận chuyên trách thể thao ngành quản lý nhà nước.

Ai cũng biết, nếu những vị chủ tịch, phó chủ tịch ấy chỉ ngồi yên, hưởng cái hư danh của chiếc ghế cao nhất ấy, chắc chẳng có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, họ đều xắn tay áo vào làm từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn nhưng làm đến đâu bị đụng đến đó. Mọi việc hoặc tắc tại chỗ hoặc triển khai một cách trì trệ.

Một thành viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM nói: Họp, ông chủ tịch nói đến đâu, mọi người đều gật đến đó nhưng bước ra khỏi phòng, trở về với công việc của mình thì mạnh ai nấy làm.

Các liên đoàn được thành lập nhằm thu hút những nguồn lực xã hội để phát triển phong trào. Tuy nhiên, cái gì liên đoàn cũng phải đi xin, phải phụ thuộc. Ngay đội bóng thi đấu đỉnh cao cũng không can thiệp được.

Liên đoàn Bóng đá không được đụng đến CLB TPHCM vì đó là doanh nghiệp độc lập.

Liên đoàn Bóng chuyền không được chỉ đạo đội tuyển thuộc Trường Năng khiếu nghiệp vụ, đang hưởng lương nhà nước.

Thế mới có chuyện, chỉ trong năm 2010 đã xảy ra 2 vụ xin nghỉ tập thể ở môn bóng bàn và cầu lông nhằm phản đối sự quản lý, can thiệp quá mức của trưởng bộ môn. Trong 2 vụ việc này, không thấy ý kiến của lãnh đạo liên đoàn, đơn giản vì họ cũng bất lực do không trực tiếp quản lý VĐV!

Trên thực tế, để bảo đảm tính chuyên môn của liên đoàn, thông thường các vị trí về chuyên môn thường do các cán bộ bên Sở VH-TT-DL đảm nhiệm.

Về lý thuyết, khá ổn nhưng do nắm trong tay quyền hành trực tiếp đối với hoạt động đào tạo và thi đấu còn lớn hơn cả liên đoàn, nên khi các cán bộ này không đồng thuận với ý kiến chung thì các kế hoạch có thể bị sai lệch so với định hướng ban đầu.

Đó là chưa nói đến tình trạng các cán bộ của sở quản lý khi bị điều chuyển công tác lại được bố trí về liên đoàn để thực hiện công tác xã hội. Như vậy, khi có quá nhiều người kiêm nhiệm công việc kiểu “1 việc nhưng 2 nơi” như vậy chắc chắn sẽ bị tác động bởi lợi ích cá nhân. Có người vì chiếc ghế tại bộ môn, vì quyền lợi chính trị nên không thực hiện những kế hoạch của liên đoàn nếu kế hoạch đó không mang lợi cho công việc tại bộ môn mình quản lý.

  • Liên đoàn cũng làm sai việc

Có một thực tế, toàn bộ nền tảng đào tạo, thi đấu ở cấp độ phong trào đến bán chuyên nghiệp hiện do các bộ môn trực tiếp thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, nhất là những môn tập thể. Toàn bộ hệ thống tuyển chọn, thi đấu đều giao các quận, huyện.

Những tài năng có được sẽ chuyển về Trường Năng khiếu nghiệp vụ đào tạo chuyên sâu đến khi có thể thi đấu đỉnh cao. Cả một quá trình dài như vậy nhưng các liên đoàn chưa giúp được gì chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Đội tuyển bóng chuyền TPHCM xuống hạng là biểu hiện rõ nét sự tuột dốc của thể thao TPHCM. Ảnh: Nguyễn Nhân

Đội tuyển bóng chuyền TPHCM xuống hạng là biểu hiện rõ nét sự tuột dốc của thể thao TPHCM. Ảnh: Nguyễn Nhân

Hiện nay, ở TPHCM, ngoài 2 trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Thành Long và PVF, những trung tâm đào tạo VĐV khác, kể cả bóng đá cũng trực thuộc quận, huyện hay các ngành. Hệ thống cơ sở vật chất tập luyện hầu hết của nhà nước, phía tư nhân chỉ góp thêm các sân quần vợt mà thôi.

Chính vì vậy, khi các liên đoàn can thiệp quá sâu vào những đội bóng, VĐV lại không nhận được sự đồng thuận từ các cán bộ chuyên môn. Họ cho rằng, việc của liên đoàn là phát triển thêm các giải thi đấu, tăng tính hấp dẫn trong hoạt động tài chính và tìm nguồn lực hỗ trợ hoạt động thi đấu.

Hơn nữa, nếu liên đoàn không có các cán bộ từ sở qua, ai sẽ lo phần chuyên môn? Chính Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM Lê Hồng Triều khi từ chức cũng đã nói: “Liên đoàn không thể làm việc được nếu không chỉ đạo được hoạt động thi đấu của đội bóng”.

  • Trách nhiệm chồng chéo

Muốn có thành tích đỉnh cao phải tạo ra các phong trào để VĐV cọ xát. Nhưng để phong trào mạnh, đỉnh cao phải có thành tích tốt. Nếu một cán bộ chuyên môn chỉ chăm chăm lo phát triển phong trào, lo ghế của mình, sẽ thụ động trong vấn đề đỉnh cao vì vượt quá tầm. Liên đoàn chịu trách nhiệm phát triển đỉnh cao nhưng can thiệp quá sâu vào chuyên môn sẽ dẫn đến tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”.

HLV của một đội tuyển nhận định: “Theo tôi, rắc rối lớn nhất chính là khả năng chia sẻ công việc. Các liên đoàn vẫn chưa có đủ nguồn tài chính hỗ trợ công tác đào tạo, bộ môn chỉ lo phần việc của mình, miễn sao duy trì phong trào cho hết trách nhiệm. Khi thất bại, lại đổ lỗi cho nhau còn những người điều hành đội bóng thì lãnh đủ”

VIỆT QUANG

Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL: Thể thao TPHCM thời gian qua đang đi xuống, chúng ta cần phải xem lại hệ thống cơ sở vật chất, đào tạo và tài chính. Ngoài ra, chúng ta cần phải xem xét lại cách tổ chức giải, tham gia thi đấu và công tác huấn luyện thể thao sao cho hợp lý. Nhất là cách quản lý của sở đối với các bộ môn và liên đoàn.

Hiện tại, công tác quản lý của sở đối với bộ môn và liên đoàn cũng còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Nhiều liên đoàn không rõ được nhiệm vụ của mình, không làm đúng chức năng, cái gì cũng muốn làm nhưng lại thực hiện không được. Ví dụ như công tác đào tạo, có một số liên đoàn nhảy vào làm nhưng không mang lại hiệu quả.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả các liên đoàn và bộ môn. Sở sẽ có giải pháp để liên đoàn có thể phát huy tác dụng của mình. Phần nào nhà nước lo, phần nào liên đoàn lo cần phải cụ thể, rõ ràng.

Q.T.

Tin cùng chuyên mục