Maria Sharapova tiết lộ gây sốc trong hồi ký

Ngày 12-9 tới đây, Maria Sharapova sẽ cho xuất bản cuốn Hồi ký mang tên: “Unstoppable: My Life So Far” (tạm dịch: “Không thể chận đứng: Cuộc đời của tôi đến giờ”).
Một phần tiết lộ hồi ký của Masha trên Tạp chí People.
Một phần tiết lộ hồi ký của Masha trên Tạp chí People.
Trong đó hứa hẹn có nhiều tình tiết cực kỳ hấp dẫn quanh việc cô đã mạnh mẽ và dũng cảm như thế nào để đối mặt với sự quay lưng của gần như… cả thế giới trong quá trình tìm kiếm con đường quay trở lại sân đấu chuyên nghiệp của mình, rằng cô đã nhận được sự ghẻ lạnh từ nhiều đồng nghiệp khác nhau ra sao – những người không tin một người từng bị cấm thi đấu do sử dụng meldonium lại có quyền quay trở lại thi đấu, và cả những mâu thuẫn với Serena Williams, người thường xuyên cười đùa với cô, nhưng lại ghét bỏ cô đến nhường nào.
Masha mới vừa quay trở lại thi đấu sau 15 tháng bị ITF cấm đoán. Là một người quá nổi tiếng, thậm chí từng là “biểu tượng” của làng quần vợt nữ thế giới, sự quay trở lại của Masha đã gây ra những làn sóng phản ứng khác nhau, đặc biệt với việc cô được hàng loạt BTC giải đấu cấp suất wild-card tham dự vòng đấu chính, thay vì phải dốc sức từ vòng loại. Một bên cấm đoán, như kiểu Andy Murray, Caroline Wozniacki hay thậm chí là Eugenie Bouchard (người đang chìm nghỉm trong phong độ tồi tàn của mình), bên kia đồng thuận, như Novak Djokovic. Nhưng cũng có người đứng ở vị thế “trung dung”, khôn khéo để không buông ra chỉ trích nặng lời, nhưng cũng không bảo vệ Masha, như là Roger Federer lịch lãm.
Tuy vậy, làn sóng chỉ trích – bảo vệ, đã lắng xuống rất nhiều khi Masha gặp hàng loạt vấn đề về sức khỏe, liên tục dính chấn thương bắp đùi, và mới đây nhất là chấn thương cánh tay trái, buộc cô phải liên tục rút lui khỏi nhiều giải đấu. Với việc phải bỏ cuộc trước trận đấu với Lesia Tsurenko (Ucraina) ở vòng 2 giải Bank of the West Classic tại Stanford sau khi thắng trận đấu mở màn với điểm số 6-1, 4-6, 6-0 trước Jeremy Brady (Mỹ), tay vợt hiện đang xếp hạng 149 thế giới người Nga đã trải qua 2 giải đấu phải bỏ cuộc nửa chừng và 1 giải đấu khác thậm chí phải rút lui trước khi bước ra sân đấu (Wimbledon hồi tháng 7).
Dù vậy, giờ đây, mối quan tâm của cô đang tạm chuyển sang việc… xuất bản cuốn tự truyện: “Unstoppable: My Life So Far” và Tạp chí People mới vừa cho đăng tải một phần nhỏ của cuốn tự truyện này với những tiết lộ gây sốc về sự mâu thuẫn giữa Masha – “Nữ hoàng về thương mại của WTA” và Serena – “Nữ hoàng thật sự mang tính chuyên môn”, trong đó, Serena từng buột miệng chửi Masha là: “Con khốn nhỏ bé”, dù thực chất, Masha không hề nhỏ bé một chút nào, cô cao 1m88, trong khi Serena chỉ cao 1m75. Thật ra, đó chỉ là phản ứng “trẻ con” của Serena khi lần đầu để thua Masha, lúc Masha còn là cô bé 17 tuổi.
Trong lần thứ 2 chạm mặt giữa 2 bên, Masha không chỉ gây sốc cho Serena mà cho cả thế giới khi dễ dàng đánh bại Serena với điểm số 6-1, 6-4 trong trận chung kết Wimbledon 2004. Khi đó, Masha mới chỉ có… 17 tuổi. Ngay sau đó, khi bước vào phòng thay đồ, Masha đã tình cờ chứng kiến toàn cảnh Serena khóc lóc thảm thương, nước mắt giàn giụa và gằn giọng: “Tôi sẽ không bao giờ để thua con khốn nhỏ bé đó thêm một lần nào nữa”. Dù vậy, Masha lại tiếp tục biến Serena trở thành “bại tướng” trong một trận đấu rất quan trọng khác, trận chung kết của WTA Championships vào cuối năm 2004 đó, với chiến thắng 4-6, 6-2, 6-4. Tuy nhiên, chính Masha cũng ý thức được rằng, sự phản ứng tiêu cực đó, đã thúc đẩy Serena vươn lên một tầm cao mới, câu chửi khá nặng nề chính là động lực để Serena đo lường giới hạn của bản thân, để rồi sau năm 2004, cô đã vươn mình lên một tầm đẳng cấp khác, liên tục đánh bại Masha trong… 18 trận đấu liên tiếp, suốt từ năm 2005 cho đến năm 2016. Từ chỗ bị người ta gọi là: “Con khốn nhỏ bé”, giờ đây, có thể nói Masha “sợ Serena như sợ cọp”.
Masha tiết lộ: “Serena và tôi nên là bạn của nhau, chúng tôi có cùng sự đam mê. Nhưng cuối cùng, chúng tôi lại không phải là bạn. Tôi nghĩ, trong một chừng mực nào đó, chúng tôi cùng dẫn đường cho nhau. Có lẽ đó là như vậy. Chỉ khi bạn có sức đối kháng thật là mãnh liệt, bạn mới có thể tìm được toàn bộ sức mạnh để kết liễu cô ấy trên sân đấu. Ai mà biết được? Khi tất cả những chuyện này đều nằm lại trong quá khứ, có lẽ chúng tôi sẽ trở thành bạn thì sao? Khi trận đấu kết thúc, Serena ôm lấy tôi. Cô ấy nói thứ gì đó như là: “Chơi hay lắm”. Và cười. Nhưng cô ấy không thể nhoẻn cười từ bên trong. Tôi đã nghe những từ ngữ nhạy cảm trong phòng thay đồ khi Serena đang nức nở. Những tiếng nức nở trong yết hầu. Tôi đã cố rời đi càng nhanh càng tốt, nhưng cô ấy biết tôi ở đó. Mọi người thường tự thắc mắc, tại sao tôi có nhiều rắc rối khi cố gắng đánh bại Serena. Thành tích của tôi chống lại cô ấy là 2 trận thắng và 19 trận thua. Với tôi, câu trả lời nằm trong phòng thay đồ ngày ấy”.

Tin cùng chuyên mục