Cái tên Quàng Thị Thu Nghĩa đã không xa lại với người hâm mộ đội tuyển pencak silat Việt Nam. Nói chính xác hơn, Thu Nghĩa là người để lại dấu ấn nhất cho khán giả Việt Nam tại SEA Games 31 năm ngoái khi nữ võ sĩ người quê gốc Sơn La là tuyển thủ giành HCV đầu tiên cho tuyển pencak silat Việt Nam của nội dung đối kháng tại SEA Games 31.
Còn nhớ khi đó, Thu Nghĩa kịp bày tỏ “đây là kết quả quá bất ngờ với tôi và tôi cũng không biết nói gì. Kết quả HCV là thành tích lớn cho cá nhân mình, đặc biệt lại được trên SEA Games 31 ở sân nhà. Sau 19 năm, SEA Games mới có ở Việt Nam nên tôi tự hào lắm và xin gởi thành tích tới người thân, những người hâm mộ thể thao Sơn La. Tấm huy chương này là niềm tự hào của người dân Sơn La và của cá nhân tôi”.
Sau một năm, gặp lại Thu Nghĩa trên sàn đấu của SEA Games 32 tại thủ đô Phnom Penh, cô vẫn đầy sức mạnh và sẵn sàng bước vào tranh tấm HCV hạng 65-70kg của mình. Ở vào thời điểm hai đội tuyển pencak silat Việt Nam và Indonesia đang khá căng thẳng vì sự cố trọng tài trước đó, nhưng trong trận chung kết ở buổi trưa ngày 10-5, Thu Nghĩa chơi khá tự tin trước đối thủ Nia Larasati (Indonesia). Gần như toàn trận, võ sĩ đối phương không có nhiều pha trả đòn mà chịu trận trước Thu Nghĩa. Thậm chí, kể cả khi Thu Nghĩa bị trọng tài bàn phạt 15 điểm ở ván thứ 3 thì cô vẫn còn đủ 50 điểm qua đó thắng sít sao với kết quả 50-48 trước Nia.
“Chiến thắng này là một chiến thắng quan trọng của chúng tôi. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ tinh thần trước khi thi đấu. Do là trận cuối cùng ở buổi sáng nên tôi cũng có phần lo lắng trước khi lên đài. Dù thế, khi vào thi đấu, tôi lại có một sự thoải mái và tung hết các đòn đánh đúng với khả năng của mình”, Thu Nghĩa chia sẻ.
Vẫn nhớ Thu Nghĩa từng kể vốn ban đầu mình được tuyển chọn vào thể thao Sơn La ở môn điền kinh trong nội dung nhảy cao. Thế nhưng võ thuật, đặc biệt là võ pencak silat đã chiếm được cảm tình của cô cũng như đưa cô tới với môn thể thao có tính đối kháng cao này và đã có những kết quả thành công nhất. Hỏi lại Thu Nghĩa còn nhớ gì về kỹ thuật của điền kinh hay không, nữ võ sĩ người dân tộc Thái của vùng quê quê Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) chỉ cười mà bảo rằng “tôi giờ là VĐV võ thuật rồi...”.