Wenger ở lại, rồi sao?

Nhiều người nghĩ đến kịch bản Wenger sẽ bị sa thải ở cuối mùa giải này. Nhưng họ đều lầm. Wenger là một phần của Arsenal đương đại và những người điều hành CLB không dám cư xử bất nhẫn như vậy.
Nếu sa thải Wenger, họ có thể vuốt ve được một bộ phận nhỏ những CĐV giận dữ với kết quả kém cỏi của CLB nhưng trong mắt giới nhà nghề, họ sẽ không được đánh giá cao và do đó, ít ai dám tới một CLB sẵn sàng chặt bỏ không thương tiếc linh hồn của mình. Và sự thực là Kroenke đã chuẩn bị bản hợp đồng gia hạn 2 năm cho Wenger, chỉ chờ ông ký nữa là xong. Nhưng Wenger đã trì hoãn việc ấy lại cho đến hết trận chung kết FA Cup. Nếu thất bại, ông sẽ tự nguyện ra đi.

Nhưng Arsenal đã không thất bại, và Wenger cũng đã quyết định ở lại. Hôm qua, ông và ban lãnh đạo CLB đã ngồi lại với nhau để thoả thuận vấn đề đường hướng phát triển Arsenal sau khi ông sẽ ký chính thức vào bản gia hạn hợp đồng. Và buổi đàm phán ấy liên quan rất nhiều đến một thứ tối quan trọng: chính sách tài chính.

Chính sách lương của Arsenal khiến họ là một CLB rất hấp dẫn với các cầu thủ trẻ, khi mà lương của các cầu thủ trẻ Arsenal thuộc dạng cao hơn những đồng nghiệp cùng cỡ ở các CLB khác. Nhưng lương của các cầu thủ đội 1, cũng như của các ngôi sao lớn trong đội lại không chênh lệch so với lương đám trẻ quá nhiều. Như ở Man United, một cầu thủ trẻ có lương tương đối vào khoảng 12 ngàn bảng Anh/tuần thì một ngôi sao có thể kiếm cỡ 160-200 ngàn bảng Anh/tuần. Trong khi đó, ở Arsenal, cầu thủ trẻ có thể kiếm 20 tới 30 ngàn bảng Anh/ tuần nhưng khi lên đội 1, lương họ cũng sẽ chỉ vào khoảng 45 ngàn bảng Anh/tuần, và nếu là sao, 150 ngàn bảng Anh/tuần là mức hiếm hoi cao nhất. Sự không chênh lệch quá nhiều đó khiến một cầu thủ từ đội hình dự bị có thể sẽ muốn rời khỏi Arsenal sau một quá trình phấn đấu và khẳng định mình ở đội hình chính thức. Và hơn nữa, mức lương đó không khiến Arsenal trở nên hấp dẫn so với các đối thủ rất mạnh về gạo, bạo về tiền ở thời đại này.

David Seaman đã mới lên tiếng cảnh báo Kroenke rằng nếu muốn Arsenal tốt lên, ông phải thay đổi chính sách lương, phải biến Arsenal trở thành một “talent hub” (điểm hút tài năng) thực sự. Lacazette là một ví dụ. Anh ta chọn Atletico bởi nơi đó mức lương khá khẩm hơn ở Arsenal chứ không phải vì Arsenal không đủ tiền mua Lacazette. Theo dõi Lacazette bao năm nay, cuối cùng Arsenal lại để vuột tay cũng chỉ vì khi  đàm phán, họ không thỏa hiệp được mức lương mà Lacazette mong muốn. Họ sợ mức lương ấy sẽ khiến các cầu thủ trong đội đòi hỏi thay đổi mức lương đang được trả. Nhưng câu chuyện cũ rích kia giờ đã không còn là mối đe dọa nữa. Mùa hè này, chắc chắn sẽ có vài người rời Arsenal. Và một cuộc đi chợ ồ ạt đủ cho phép Arsenal mềm mại điều chỉnh lại chính sách lương bắt đầu từ những ngôi sao mới đến. Tuy nhiên, Kroenke có dám thực thi điều đó hay không, hay ông khư khư giữ lấy hầu bao và thỏa mãn với những thành tích nhỏ nhỏ khiêm tốn kiểu FA Cup?

Wenger đã ở lại rồi, và bây giờ tiếp theo là gì? Đó sẽ là nhiệm vụ của Kroenke, người đang có một triết lý thiếu đột phá. Đúng là chi nhiều thì nguy cơ giảm lợi nhuận là có. Song nếu chi nhiều để mang lại hiệu quả, mang lại hình ảnh thương hiệu tốt hơn thì có thể tối ưu hóa doanh thu hơn, và do đó, lợi nhuận cũng sẽ tốt hơn. Có lẽ, Kroenke nên nghĩ đến việc Nike bỏ Arsenal, và Arsenal phải thỏa mãn với Puma, một nhãn hiệu chi ít tiền hơn. Đó chính là hậu quả của một chính sách kinh doanh quá bảo thủ, thiếu đột phá và thận trọng đến mức run sợ của Kroenke chứ không phải là hậu quả của một Wenger già nua.

Tin cùng chuyên mục