Trách nhiệm thuộc về ai?

Cho đến bây giờ – hai ngày sau sự cố nhuộm màu tang tóc tại thành phố Vinh – nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng hỗn độn, trước sự bất lực, dường như có phần dung túng của lực lượng bảo vệ địa phương, trước sự hung hãn của đám đông CĐV và trước cái chết của anh Hà Huy Thành.

Sao thương tâm quá, sao mà cay nghiệt như vậy? Khi mà bóng đá đáng lý ra là một ngày hội, một ngày vui, thì lại bị một số người biến thành dịp để chửi bới, lăng mạ nhau và tiến đến hành hung lẫn nhau.

Tai nạn gây chết người vào đêm 25-5 cũng có thể cho là vô tình, nhưng nếu không có bạo lực trên khán đài, không có vụ đánh nhau sau trận đấu và cảnh uy hiếp bên ngoài sân bóng, dẫn đến sự hoảng loạn tột cùng của người tài xế thì đâu đến nỗi vợ con anh Thành phải lâm vào cảnh mất chồng, mất cha.

Câu hỏi “Vì sao nên nỗi?” còn lâu mới giải đáp và giải quyết được. Bởi lẽ, sau sự cố tang tóc này, khối người sẽ tìm cách lẩn trốn, đùn đẩy trách nhiệm và nhiều người sẽ cố làm cho vụ việc êm xuôi, đi đến chìm xuồng. Thói quen không dám nhận trách nhiệm, không dám tự xử mình là nét “văn hóa” của nhiều quan chức thể thao của chúng ta.

Theo người viết, cơ quan điều tra hãy nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, để không chỉ làm cái việc tìm cho ra chiếc xe và tài xế gây chết người, mà là để xác định và quy trách nhiệm nặng nề đối với những ai thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Sự việc này, trước tiên hãy xét đến vai trò của Ban tổ chức giải V-League 2008. Như chúng tôi đã từng đề cập đến ở các bài viết trước, việc chỉ dùng những văn bản suông sau mỗi sự cố để “nhắc nhở”, “khuyên nhủ” các BTC địa phương, các đội bóng hay trọng tài thì chẳng giúp ích gì nhiều, chẳng thấm tháp vào đâu.

Đáng lý, BTC phải đưa các sân tạm gọi là “điểm nóng” vào hồ sơ, tăng cường giám sát và có quy định cứng rắn hơn, kiên quyết hơn đối với các sân này trong công tác bảo vệ an toàn, trật tự sân bãi. Nếu không đảm bảo quy định về tường rào, về phương án bảo vệ thì kiên quyết không cho tổ chức.

Có bao giờ BTC giải buộc các sân thực tập các phương án chống bạo động, chống các vụ gây rối trong và ngoài sân bóng chưa? Hay ngại tốn tiền? Và chỉ cần thuê công an đến gác cho chiếu lệ, để khi xảy ra sự cố thì mới hối tiếc. Theo tôi, trách nhiệm cao nhất thuộc về VFF.

BTC địa phương cũng không nằm ngoài vòng trách nhiệm. Họ là những người trực tiếp tổ chức trận đấu, tổ chức bảo vệ an toàn, trật tự trên sân, thậm chí phối hợp cơ quan chức năng bảo vệ an toàn cho đội khách và cổ động viên đội khách bên ngoài sân, trên đường di chuyển qua địa giới tỉnh nhà. Với những sự cố trước đây và mới đây, Sở TDTT Nghệ An và BTC sân Vinh chịu trách nhiệm chính và không nhỏ trong sự cố này.

Cuối cùng là CĐV 2 đội bóng. Họ là ai? Phải chăng họ là những người yêu bóng đá? Theo tôi thì không phải. Nếu bạn yêu bóng đá thật sự, bạn không bao giờ có những hành động rồ dại như vậy. Họ chỉ yêu bạo lực và thích khiêu khích, xem thường kẻ khác.

Trong sự cố này, CĐV Hải Phòng chịu trách nhiệm về hành vi kích động, vốn đã có những bằng chứng xác thực, còn CĐV Nghệ An chịu trách nhiệm về hành động côn đồ, thiếu kiềm chế, gây tác hại lớn.

Sự cố máu chảy, chết người hôm 25-5 bên ngoài SVĐ Vinh đã ghi vào lịch sử bóng đá Việt Nam nỗi nhục không bao giờ tẩy rửa được. Nếu tại các quốc gia châu Âu, chính phủ có thể cho ngưng giải đấu để một mặt điều tra làm sáng tỏ vụ việc, một mặt làm dịu tình hình, kiểm tra lại toàn bộ công tác giữ gìn trật tự, an toàn trong và ngoài sân cỏ. Nếu không kiên quyết trấn áp, đây sẽ không phải là sự cố cuối cùng.

Linh Giao

Tin cùng chuyên mục