Khai mạc chương trình tầm nhìn châu Á của AFC

Tầm nhìn Việt Nam được tiếp sức

Tầm nhìn Việt Nam được tiếp sức

Hôm qua 13-9, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Tầm nhìn châu Á (TNCA) do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp tổ chức. Việt Nam là một trong 8 nước và vùng lãnh thổ đầu tiên được AFC chọn thực hiện dự án TNCA cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, Bangladesh, Jordanie, Indonesia, Ấn Độ và Yemen. Câu hỏi đặt ra là TNCA giúp gì cho bóng đá Việt Nam và VFF liệu có tận dụng được cơ hội này để làm cho bóng đá Việt Nam tăng tốc ?

  • Bóng đá việt nam: Thực trạng và tầm nhìn
Tầm nhìn Việt Nam được tiếp sức ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái trao huy chương vì sự nghiệp thể thao cho Tổng thư ký AFC Peter Velappan.

Hiện trạng bóng đá Việt Nam được thể hiện cụ thể qua các thông số của 11 lĩnh vực: bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng đá trẻ và bóng đá học đường, marketing, y học thể thao, trọng tài, huấn luyện viên, truyền thông, người hâm mộ, bộ máy liên đoàn bóng đá. Bản báo cáo được ông Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn trình bày vào chiều qua. Theo đánh giá của VFF, bóng đá Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các nước đang phát triển.

Bóng đá nam hiện có 12 CLB chuyên nghiệp, 12 CLB hạng nhất, 16 CLB hạng nhì và 36 - 45 CLB hạng ba (nghiệp dư). Trình độ phát triển ở mức cơ bản. Mục tiêu phấn đấu là xây dựng hệ thống thi đấu hàng năm phù hợp với lịch thi đấu của AFC và FIFA. Các CLB chuyên nghiệp có thể đảm bảo hạch toán kinh phí một phần vào năm 2006 và tự hạch toán hoàn toàn vào năm 2010. Bóng đá nữ có 8 đội với 200 cầu thủ, trình độ phát triển ở mức cơ bản. Mục tiêu cần đạt được là tất cả các cầu thủ nữ phải đăng ký từ năm 2005. Giải VĐQG sẽ thi đấu vòng tròn lượt đi lượt về từ năm 2005.

12 CLB chuyên nghiệp hiện tại đều có đội U21. Đến tháng 12-2006, tất cả các CLB chuyên nghiệp phải có thêm đội U18. Từ 2004, các CLB chuyên nghiệp phải có 1 HLV trẻ có bằng của các tổ chức bóng đá quốc tế. Từ tháng 12- 2004, tất cả các cầu thủ trên 12 tuổi phải đăng ký với LĐBĐVN. Bóng đá trong nhà và bóng đá bãi biển hiện là “vùng trắng” trong bản đồ bóng đá Việt Nam. Mức phấn đấu được VFF đưa ra là tổ chức các khóa huấn luyện phát triển Futsal từ 2004 và thành lập đội tuyển quốc gia Futsal tham dự giải vô địch châu Á năm 2005.

Hiện Việt Nam có 15 HLV bằng A, 60 HLV bằng B, 120 HLV bằng C và 30 HLV trẻ. Từ năm nay, VFF sẽ phát triển hệ thống huấn luyện quốc gia và tổ chức các khóa đào tạo HLV thể lực, HLV thủ môn. Từ mùa giải 2004-2005, 12 CLB chuyên nghiệp phải có tối thiểu 1 HLV đạt bằng B. Tính đến thời điểm này, chúng ta có 600 trọng tài, trong đó có 12 trọng tài và trợ lý trọng tài cấp FIFA, 100 trọng tài cấp quốc gia. VFF đề ra mục tiêu trong năm 2004 có 1 cán bộ của VFF chuyên trách về lĩnh vực trọng tài đồng thời tổ chức các khóa tái đào tạo trong những năm tiếp theo. Song mục tiêu đến năm nào sẽ làm được lại không được ông Viễn đề cập đến.

Y học thể thao của chúng ta đang ở ngưỡng không tồn tại. Bước sang năm nay, VFF quy định kiểm tra doping bắt buộc với các cầu thủ khi thi đấu quốc tế. VFF sẽ phối hợp với Viện khoa học TDTT – UBTDTT tổ chức các lớp bổ trợ kiến thức y học thể thao cho các bác sĩ, nhân viên y tế của các đội bóng trước mắt cho đội tuyển QG và các CLB chuyên nghiệp. Công tác marketing hiện đảm bảo được 1 phần kinh phí cho đội tuyển QG và giải chuyên nghiệp hoạt động. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo được 100% kinh phí duy trì đội tuyển quốc gia và V-League đồng thời đảm bảo một phần kinh phí hoạt động đào tạo cầu thủ trẻ và các hoạt động khác.

Tuy nhiên, VFF không đề cập đến lực lượng những người hâm mộ. Trong khi đó, AFC và TNCA đánh giá người hâm mộ là “tiền đạo” trong đội hình 11 cầu thủ mà 10 trong số đó đã nói ở trên.

  • Tầm nhìn châu Á, “Cú hích” cho bóng đá Việt Nam
Tầm nhìn Việt Nam được tiếp sức ảnh 2

V-League 2004, trận GĐT.LA (bên trái) thắng Đà Nẵng 1-0.

Quan điểm xuyên suốt của TNCA là “tương lai nằm trong tay những người có trách nhiệm, những người sẽ quyết định chinh phục ngọn núi nào, cao bao nhiêu”. Theo ông Tổng thư ký AFC kiêm Giám đốc TNCA Peter Velappan, bóng đá Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một bộ máy liên đoàn bóng đá mạnh, chuyên nghiệp và phân rõ quyền hạn, chức năng lập pháp và hành pháp. “Liên đoàn mạnh thì công tác đào tạo, tổ chức thi đấu, marketing…. mới phát triển được”, ông Velappan nhấn mạnh.

Do đó, TNCA và VFF cùng nhau xác định một cách chính xác trình độ bóng đá Việt Nam. TNCA phổ biến kinh nghiệm của các quốc gia thành viên AFC, giúp VFF phát huy các tiềm lực sẵn có, huy động mọi nguồn lực từ Chính phủ, UBTDTT, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, các phương tiện truyền thông, những người hâm mộ… TNCA sẽ chịu kinh phí cử sang Việt Nam 40 chuyên gia trong 11 lĩnh vực nói trên đào tạo các cán bộ, nhân viên VFF trong 4 năm. Thời gian tiếp theo sẽ áp dụng chế độ “người Việt Nam đào tạo lại người Việt Nam”. Với ảnh hưởng và mối quan hệ của mình, TNCA còn kêu gọi FIFA, Liên đoàn bóng đá các nước Nhật Bản, Hà Lan, Qatar giúp đỡ tài chính và nhân lực cho VFF. Mục tiêu cuối cùng mà VFF đưa ra và AFC đã nhất trí ủng hộ là vô địch Tiger Cup 2008, lọt vào vòng chung kết giải vô địch châu Á năm 2012 và lọt vào vòng chung kết World Cup 2018.

Hội thảo sẽ kéo dài đến hết ngày 17-9 với các cuộc họp giữa các thành viên AFC và VFF về 11 chuyên đề. Giữa tháng 10, TNCA sẽ có bản tổng kết về thực trạng bóng đá Việt Nam và tháng 11 sẽ cùng với VFF đưa ra một Chương trình hành động cụ thể. Hy vọng đây sẽ là cơ hội tốt để bóng đá Việt Nam nhìn lại mình và có chiến lược phát triển cho tương lai.

AN HƯNG

Tin cùng chuyên mục