Phòng chống doping: Cuộc chiến âm thầm

Chuẩn bị cho Asiad 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc), bên cạnh yếu tố chuyên môn, giới chức thể thao Việt Nam còn vấn đề nữa để bận tâm, đó là doping.
Một buổi tập huấn kiến thức phòng chống doping cho các tuyển thủ Việt Nam . Ảnh: P.MINH
Một buổi tập huấn kiến thức phòng chống doping cho các tuyển thủ Việt Nam . Ảnh: P.MINH

Kỹ từ khâu kiểm tra, giám sát

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, công tác đảm bảo về sức khỏe, y tế, thuốc dinh dưỡng và điều trị chấn thương cấp phát cho các đội tuyển quốc gia được quan tâm và kiểm tra sát sao trong thời gian chuẩn bị Asiad 19. Hàng tuần, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đại học TDTT Bắc Ninh đều báo cáo về tình hình các tuyển thủ. Ban huấn luyện các đội tuyển điền kinh, cử tạ, xe đạp, thể dục dụng cụ, bơi lội, quyền Anh… cũng đôn đốc các tuyển thủ thận trọng trong sinh hoạt hàng ngày.

Liên quan đến công tác phòng chống doping cho Đoàn Thể thao Việt Nam dự Asiad 19, ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh việc giáo dục ý thức cho VĐV được thực hiện nghiêm túc và liên tục. Ngoài ra, theo quy định, trước mỗi kỳ đại hội, các quốc gia đều phải tiến hành lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên để báo cáo BTC. Hiện tại, Đoàn thể thao Việt Nam đã thực hiện hoàn tất. “Thể thao Việt Nam đã tổ chức lấy khoảng 30 mẫu thử đối với các trường hợp ngẫu nhiên theo đúng quy định của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và đảm bảo đúng quy trình”, ông Đặng Hà Việt cho biết thêm.

Trước đó, chuẩn bị cho SEA Games 32 ở Campuchia hồi tháng 5 vừa qua, Đoàn thể thao Việt Nam cũng thực hiện nghiêm ngặt các bước lấy mẫu thử của thành viên trước khi lên đường tham dự. Thời điểm trên, chúng ta đã thực hiện lấy khoảng 20 mẫu và kết quả đều âm tính. Trong quá trình thi đấu SEA Games 32, nhiều tuyển thủ thể thao Việt Nam đã giành huy chương và được yêu cầu lấy mẫu kiểm tra doping đúng quy định của ban tổ chức. Tới lúc này, chúng ta không có trường hợp nào gặp sự cố ở các mẫu thử đã kiểm tra.

Cẩn thận là không thừa

Sự cố 5 tuyển thủ thuộc đội tuyển điền kinh Việt Nam có mẫu thử dương tính doping sau SEA Games 31 được xem là ký ức đáng quên của thể thao Việt Nam. Nguyên nhân của những sự cố ấy đã được từng tuyển thủ giải thích vì sự thiếu cẩn thận khi sử dụng thực phẩm chức năng nhằm tăng cường sức khỏe, hồi phục sau tập luyện.

Thể thao Việt Nam đang cần nhiều chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y học, bác sĩ hồi phục… đi cùng các đội tuyển thể thao để vừa tư vấn, vừa đồng hành với các HLV, VĐV trong vấn đề sử dụng thuốc điều trị chấn thương, thuốc chữa bệnh hoặc các loại thực phẩm chức năng góp phần nâng cao thể lực cho VĐV.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm doping và y học thể thao Việt Nam, cho biết: “Theo quy định của OCA, khi Đoàn Thể thao Việt Nam được thành lập, chúng tôi sẽ có các buổi hướng dẫn cách thức cập nhật thông tin và phòng chống doping cụ thể nhất”. Đồng thời, bác sĩ Phú cũng cho biết, tất cả VĐV tham dự Asiad 19 phải có chứng chỉ dự khóa học về Giáo dục phòng chống doping trên hệ thống Giáo dục phòng chống doping ADEL.

Trên thực tế, công tác y tế thể thao của Việt Nam còn hạn chế từ phương tiện, cơ sở vật chất tới con người, chuyên gia nên để không bao giờ gặp phải sự cố doping phụ thuộc nhiều vào ý thức của VĐV. Không VĐV nào muốn mình là sự cố đáng tiếc và tất cả đều tập luyện để ra thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, tranh thành tích sòng phẳng. Tuy vậy, chỉ một chút thiếu kiến thức hoặc chủ quan, rất có thể, tuyển thủ sẽ dính doping mà họ không lường trước được.

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh và ám ảnh doping

Chúng ta từng có những trường hợp tuyển thủ cử tạ dính doping và bị án cấm thi đấu rất nặng (4 năm) trên đấu trường quốc tế hay 4 trường hợp dính doping tại SEA Games 2003, SEA Games 31 có 5 tuyển thủ điền kinh dương tính doping. Trước SEA Games 31, có 6 lực sĩ thể hình có mẫu thử dương tính doping đã bị loại, không được đăng ký dự SEA Games 31…

Lực sĩ từng giành HCB tại Asiad 18-2018 môn cử tạ là Trịnh Văn Vinh từng bị phát hiện dính doping hồi năm 2019. Theo đó, sau khi giành HCB Asiad 18, mẫu thử của đô cử này âm tính. Trở về nước, trước thềm Đại hội Thể thao toàn quốc hồi tháng 11-2018, Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) đã kiểm tra đột xuất đối với Văn Vinh vì anh nằm trong danh sách các VĐV được cấp mã số ID để đăng ký với Ủy ban Phòng chống doping quốc tế (WADA). Từ đó, WADA sẽ bất ngờ kiểm tra doping mà không báo trước. Đến cuối tháng 2-2019, WADA đã thông báo về kết quả dương tính với chất cấm của Trịnh Văn Vinh, khi anh mới 24 tuổi. Văn Vinh là lực sĩ triển vọng và đang ở đỉnh cao phong độ khi dính doping. Anh từng vô địch thế giới nội dung cử giật hạng cân 61kg hồi năm 2017, sau đó giành HCV SEA Games 2017 và đoạt HCB tại Asiad 18-2018.

Trịnh Văn Vinh đã phải trả giá bằng án phạt cấm thi đấu 4 năm cùng khoản tiền phạt 5.000 USD. Lực sĩ này vừa mới chấp hành xong án phạt và được trở lại tập luyện, thi đấu hồi đầu tháng 2-2023. Tuy nhiên, anh vẫn chưa tìm lại được phong độ đỉnh cao của mình.

P.MINH

Tin cùng chuyên mục