“Đây là một cơn ác mộng, tôi đang cảm thấy rất khủng khiếp”, Djokovic đã chia sẻ như vậy sau trận thua Alexander Zverev bán kết đơn nam môn quần vợt tại Olympic Tokyo 2020. Một kết quả cho thấy Djokovic quá “tham công tiếc việc” (khi đăng ký cả 2 nội dung thi đấu, vừa muốn giành “Vàng” cho bản thân nhưng cũng muốn mang thêm vinh quang về cho thể thao Serbia nói chung bằng hy vọng thắng huy chương ở nội dung đôi nam nữ) và hậu quả là anh đã không thể phân phối đủ thể lực. Cũng có thể nói, anh đã “xem nhẹ” Next Gen như Zverev.
“Hôm nay, là một ngày quá khó khăn. Lối chơi của tôi sụp đổ. Tôi đang dẫn 1 ván đấu, 1 break-point, thì đối thủ đột nhiên xoay sở để xoay chuyển cục diện, với những cú giao bóng đầy uy lực, với lối chơi tấn công không để cho tôi thêm bất kỳ điểm số thoải mái nào. Đơn giản, tôi đã chững lại, cho phép cậu ấy sai khiến trận đấu. Ở đẳng cấp này, với áp lực thi đấu cho nước nhà ở đấu trường Olympic… Xem này, tôi không đến đây với trạng thái tươi tắn, tôi đến với sự kiệt sức về mặt cảm xúc, nhưng lại đầy động lực và khát khao giành huy chương!”.
Nhưng cơn ác mộng đó, đã không dừng lại. Nó tiếp tục hoành hành ở bên trong cơ thể của Nole cũng như ở môi trường xung quanh anh. Trong trận tranh HCĐ, có thể xem là nỗ lực cuối cùng của “Nhà Vua ATP” tại kỳ giải Thế vận hội ở Nhật Bản năm nay, anh lại tiếp tục để thua Pablo Carreno-Busta với điểm số 4-6, 7-6 (8-6), 3-6. Kết quả này đã khiến Djokovic thất bại cả trong cố gắng lập lại thành tích giành HCĐ đơn nam mà anh từng làm được ở Olympic Beijing 2008. Nỗi đau, cơn ác mộng, và cả cảm giác khủng khiếp, tất cả đều đã được… nhân đôi.
Djokovic (chỉ thua 3/37 trận đấu suốt từ đầu mùa giải cho đến giữa tháng 7, nhưng đã thua 2/6 trận đấu chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần lễ vừa qua) giải thích trình trạng của anh: “Tôi đang phải xử lý tình hình cùng lúc với nhiều chấn thương. Không phải chỉ một chấn thương, nhiều hơn một. Tôi hy vọng, điều đó sẽ không ngăn cản tôi thi đấu ở Giải Mỹ mở rộng, nơi là mục tiêu lớn tiếp theo của tôi. Nhưng tôi không hề hối tiếc vì đã đến đây và cống hiến hết mình. Làm sao tôi có thể tiếc nuối, vì đó là điều bình thường khi bạn đại diện màu áo nước nhà ở Olympic!”.
“Không may, đây là lần thứ 3 tôi để thua ở trận bán kết của đấu trường Olympic. Sau đó, tôi chỉ có thể thắng được tấm HCĐ đúng 1 lần. Ý của tôi là, “chỉ”, 1 tấm HCĐ vẫn là 1 huy chương, tuy nhiên, với tiêu chuẩn và kỳ vọng của một người như tôi, và mong muốn nữa, thì rõ ràng đây không hề là một kết quả lý tưởng. Tôi xin lỗi các CĐV Serbia, những người đã thất vọng vì tôi. Tôi biết mọi người kỳ vọng một tấm huy chương, tôi cũng vậy. Tôi cũng có cảm giác tồi tệ với Nina, vì chúng tôi không thể chiến đấu cho trận tranh HCĐ đôi nam nữ, nhưng cơ thể của tôi đã nói “Đủ rồi!”, Djokovic chia sẻ khi bỏ cả trận đôi nam nữ tranh HCĐ với Nina Stojanovic.
“Tôi đã phải luôn thi đấu với đau đớn và thuốc giảm đau, với cả sự kiệt sức. Nhưng lại một lần nữa, trái tim tôi đang đặt đúng chỗ vì tôi biết tôi đã cống hiến hết mình. Tôi thích chơi cho đất nước của mình. Không may, tôi không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng đó là thể thao, chúng tôi phải bước tiếp. Tôi sẽ không dừng lại. Ba năm nữa ở Paris (Olympic Paris 2024)…"
"Sẽ không xa đến như vậy, nhưng mặt khác, tôi không còn 25 năm khác nữa. Dù sao, tôi vẫn chưa trông thấy vạch đích sự nghiệp của mình. Olympic, Davis Cup, ATP Cup, và Grand Slam, những giải đấu truyền cảm hứng cho tôi bước tiếp. Chơi bóng cho đất nước Serbia là một đặc ân, và tôi muốn thi đấu ở Thế vận hội tại Paris. Nếu tôi có thể đến đó, tôi hy vọng thắng được một tấm huy chương”.
Nhưng đó là chuyện của 3 năm nữa. Còn giờ đây, để có thể hoàn thành “cú ăn 4 Grand Slam” ở trong một mùa giải, Djokovic đang phải xử lý rất nhiều vấn đề tiếp theo: Chấn thương; rồi phân phối lại sức lực cần thiết; giảm tải áp lực và lấy lại bình tĩnh - thứ mà anh từng “khuyên” Simone Biles rằng phải thích nghi vì đây là thể thao chuyên nghiệp, nhưng sau đó lại không thể kềm chế bản thân mình, đập cả vợt vào dây lưới, bỏ cuộc...; làm tươi mới lại bản thân để đến với US Open trong một trạng thái tốt nhất. Xét cho cùng, “Golden Slam” - không có cũng chẳng phải thảm họa.