Nhà vô địch Asiad 2018 Bùi Thị Thu Thảo: Phía trước là đấu trường thế giới

Tâm sự rất chân thật với SGGP Thể thao sau chiến thắng lịch sử ở đấu trường Asiad 2018 chưa đầy 1 ngày, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam Bùi Thị Thu Thảo cho biết cô từng muốn từ giã điền kinh vì cảm thấy chán chường. Thế nhưng, may cho cô đã luôn có người thầy Nguyễn Trọng Hổ đồng hành…

Sau thành công ở Asiad 2018, Bùi Thị Thu Thảo sẽ hướng đến đấu trường thế giới. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Sau thành công ở Asiad 2018, Bùi Thị Thu Thảo sẽ hướng đến đấu trường thế giới. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Bố là động lực và luôn là sự khích lệ tôi bước tiếp trên con đường điền kinh, bởi chính bố là người đưa tôi đến với thể thao chứ không phải tôi muốn theo đuổi ngay từ đầu. Nhưng chính thầy Nguyễn Trọng Hổ mới là người giữ tôi lại với môn thể thao khắc nghiệt này. Có những lúc tôi chán chường, thất vọng với bản thân vì suy nghĩ không thể phát triển được. Thế nhưng, thầy Hổ đã động viên, phân tích và tạo những điều kiện tốt nhất cho tôi vững tâm tiếp tục theo đuổi môn điền kinh và đặc biệt là nội dung nhảy xa nữ”, Bùi Thị Thu Thảo nhớ lại một quãng thời gian đầy nước mắt và khó khăn của mình trong quá khứ.

Thu Thảo và cú nhảy đoạt HCV Asiad. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Gặp Thảo ở Làng VĐV trưa 28-8, cô gái đầy nghị lực ấy cho biết cô vẫn chưa hết lâng lâng sau khi tạo nên cú đột phá lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở Asiad 2018. Đối với cô, chiến thắng này có ý nghĩa vô cùng, vì cô và 2 thế hệ HLV từng đào tạo Thảo là ông Nguyễn Trọng Hổ (Phó trưởng đoàn thể thao Việt Nam) và anh Nguyễn Mạnh Hiếu đã nung nấu quyết tâm “tấn công” đấu trường châu lục từ rất lâu rồi.
“Ban đầu tôi bị chê là thể hình kém, khó mà phát triển được sự nghiệp, nhưng HLV Nguyễn Trọng Hổ đã phát hiện và bồi dưỡng cho tôi chuyển từ cự ly chạy rào sang nhảy xa để phát huy hết sức mạnh tốc độ cũng như tiềm năng bật nhảy của tôi. Tôi đã gắn bó với điền kinh còn vì mục tiêu nữa, như lời khuyên của thầy Trọng Hổ, đó là bỏ nghề phụ hồ để lao vào tập luyện và thi đấu 7 môn phối hợp, rồi sau đó chuyển hẳn sang nhảy xa để có tiền phụ giúp gia đình vì điều kiện quá khó khăn, cha thì lao lực và không lao động nặng được nữa”, Thu Thảo bày tỏ.
Bùi Thị Thu Thảo và HLV Nguyễn Trọng Hổ - người luôn động viên Thảo gắn bó với điền kinh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ông Nguyễn Trọng Hổ có lần từng nói với chúng tôi rằng tiềm năng thành tích của Thảo không hề thua bất cứ VĐV điền kinh hàng đầu nào ở khu vực Đông Nam Á, bởi lẽ khi phát hiện ra tố chất đặc biệt của cô gái có chiều cao khiêm tốn này, ông đã mơ đến một viễn cảnh tốt đẹp cho tổ nhảy xa nữ ở Đội tuyển quốc gia.

Rốt cuộc, Bùi Thị Thu Thảo đã không phụ lại sự kỳ vọng của tất cả, và chuỗi thành tích thăng tiến theo thời gian của cô suốt mấy năm qua đã giúp nội dung nhảy xa nữ tìm được chỗ đứng thực sự ở làng điền kinh châu Á. Năm ngoái, Thu Thảo vô địch châu Á, năm nay thì đoạt HCV Asiad 2018, quả ngọt đã hái đúng lúc và kịp thời.

Thu Thảo và HLV Nguyễn Mạnh Hiếu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhớ lại khoảnh khắc chiến thắng ở đường đua nhảy xa nữ trên sân vận động Gelora Bung Karno tại thủ đô Jakarta (Indonesia), Thu Thảo chưa hết phấn khích: “Tôi đã quyết định nhảy lượt đầu thật tốt, vì nếu đạt được thành tích như mong muốn, tôi sẽ gây được áp lực lên các đối thủ mạnh cùng thi. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và tôi đạt 6m55 ngay lập tức. Điều đó rõ ràng đã làm cho các VĐV còn lại phải tăng tốc và dễ xảy ra sai sót nếu thiếu tập trung. Những lần nhảy sau, tôi muốn vượt qua kỷ lục Đông Nam Á 6m68 của mình nhưng tiếc là vài lần bị phạm quy, dù vẫn duy trì được thành tích trong khoảng từ 6m51-6m52”.

Cô gái 26 tuổi giàu nghị lực của điền kinh Việt Nam giờ đây đang hướng đến một mục tiêu mới, chính là tìm kiếm danh tiếng ở đấu trường thế giới và giành tấm vé chính thức tham dự Olympic 2020 ở Nhật Bản sau 2 năm nữa. Thông số thành tích tốt nhất mà Thu Thảo từng chạm đến là 6m68 nếu được tái lập hoặc vượt hơn nữa, cô hoàn toàn có thể đến với Tokyo 2020 để tiếp tục tạo nên những dấu mốc khác cho điền kinh Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục