Tìm “tử huyệt” tuyển Thái Lan

Kỳ 1: Đường thẳng là đường ngắn nhất

Báo chí có nhiều bài phân tích về tuyển Việt Nam. Các chuyên gia bóng đá cũng lặp đi lặp lại chỗ mạnh, chỗ yếu của đội bóng nhà mình. Thế nhưng, ít ai chịu khó tìm điểm yếu của đối thủ (tất nhiên chuyện đó là của ban huấn luyện đội tuyển), vạch ra được “tử huyệt” mà từ đó có thể đánh bại họ.

Người viết có trong tay băng hình trận Qatar đè bẹp Thái Lan 3-0 hồi Asian Games 15, băng ghi hình trận Thái Lan vất vả cầm chân Myanmar 1-1 ngay trên sân nhà vòng đấu bảng AFF Cup 2007.

Rồi lục tìm lại trong bộ nhớ của mình những trận đấu, mà tại đó người Thái đã nếm mùi thất bại, như trận Việt Nam – Thái Lan 3-0 ở bán kết Tiger Cup 1998, trận họ thua tuyển Trung Quốc 0-3 tranh giải ba Asian Games 13-1998 tại Songkhla.

Một nhìn nhận đầu tiên mà dễ được nhiều người đồng ý: Không có đội bóng nào trên thế giới không có khuyết điểm và vấn đề là chúng ta có biết cách khai thác được nó hay không. Thái Lan có nhiều điểm yếu, nếu không họ đã trở thành vô địch châu Á và vô địch thế giới từ lâu lắm rồi.

Việc tìm ra điểm yếu của tuyển Thái Lan sẽ không khó nếu chúng ta có đầy đủ tài liệu về họ. Và trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tách ra làm hai kỳ, ngõ hầu phục vụ bạn đọc một cách đầy đủ hơn.

Trở lại đầu đề bài viết kỳ này: “Đường thẳng là đường ngắn nhất” cho thấy hơn 50% số đợt tấn công của Qatar về phía khung thành Thái Lan đều bắt đầu từ trung lộ và kết thúc cũng ở đây. 2/3 bàn thắng của Qatar đều nằm ở trung lộ.

Cặp trung vệ Thái Lan giỏi “cận chiến”, khéo trong phòng ngự tuyến nghiêng (tức chơi với 4 hậu vệ) nhưng rất kém trong khâu bọc lót. Người viết còn nhớ như in 3 bàn thắng của Trung Quốc vào lưới chủ nhà Asian Games 13-1998 đều là những miếng đánh vỗ mặt, làm rúng động hàng thủ Thái Lan.

Có thể ai đó cho rằng hàng thủ Thái Lan chỉ bộc lộ điểm yếu ở trung lộ khi gặp phải đối thủ mạnh, nhưng đừng quên trận thắng đậm 3-0 ở Tiger Cup 1998, các tiền đạo của ta thường khai thác tối đa sự di chuyển, khuấy đảo của Lê Huỳnh Đức ở trung lộ, để các tiền vệ từ tuyến hai xông lên “khai hỏa”. Cú sút sát vạch 16,50m của Trương Việt Hoàng có thể coi là kinh điển trong lối chơi tấn công trung lộ bằng tuyến hai.

Tóm lại hậu vệ Thái Lan giỏi “đánh giáp lá cà”, nhưng khi phải đụng đến “chiến thuật phòng ngự” thì họ lúng túng ngay. Câu chuyện ở đây là làm cách nào để các tiền vệ và tiền đạo chúng ta khai thác được điểm yếu đó của người Thái.

Trước tiên, việc tạo yếu tố bất ngờ vẫn là quan trọng nhất của chúng ta. Miếng tấn công biên vẫn được sử dụng như thường lệ, với những tiền vệ giỏi chạy biên như Tấn Tài, Bảo Khanh... như đòn “nhử” đối phương tập trung hết sang biên, rồi bất ngờ ngoặt vào trung lộ.

Trong khi đó, hàng tiền vệ Thái Lan chính là điểm mạnh nhất của họ, ta nên hạn chế những “trận đánh tay đôi” với họ ở đây, hoặc tìm cách dồn quân, ngăn chặn họ kiểm soát khu vực giữa sân quá lâu, đủ thời gian điều tiết các phương án tấn công, uy hiếp tử huyệt của chúng ta.

LINH GIAO

Tin cùng chuyên mục