“Hữu thủ kiếm thủ” Szilágyi bắt đầu cầm kiếm từ năm 9 tuổi, "tu luyện kiếm chiêu" tại “Kiếm tông” của Vasac SC (CLB Thể thao nổi tiếng Hungary trụ sở tại Budapest, là nơi tập hợp nhiều đội thể thao khác nhau, trong đó có cả bóng đá). Có thể nói không ngoa, đến thời điểm này thì, Szilágyi thậm chí cầm kiếm “tu luyện” còn nhiều hơn cầm dao nĩa để ăn uống.
Sự chuyên tâm và tài năng vô hạn khiến “Hữu thủ kiếm thủ” Szilágyi càng lúc càng nổi tiếng với những chiến tích - công trạng cho làng đấu kiếm Hungary nói riêng và làng thể thao, đất nước Hungary nói chung. Trong sự nghiệp cầm kiếm đi tranh đoạt thiên hạ của mình, Szilágyi đã từng thắng 2 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ ở các giải đấu đẳng cấp Vô địch châu Âu; thắng 1 HCV, 2 HCB và 4 HCĐ ở các giải đấu đẳng cấp Vô địch thế giới (nội dung cá nhân và đồng đội)…
Riêng ở đấu trường Olympic, anh đã thiết lập “một đế chế” của riêng bản thân mình nội dung kiếm chém. Ở kỳ Thế vận hội tại London hồi năm 2012, anh đã đánh bại “Kiếm Ý” Diego Occhiuzzi với điểm số áp đảo là 15-8 trong trận đấu chung kết. Ở kỳ Thế vận hội tại Rio de Janeiro hồi mùa Hè năm 2016, anh đã thắng “Kiếm Mỹ” Daryl Homer cũng với điểm số tương tự là 15-8 trong trận đấu chung kết. Hôm qua anh lại thắng “Kiếm Ý” Luigi Samele với điểm số áp đảo khác: 15-7!
Chiến thắng này, tấm HCV này, biến Áron Szilágyi trở thành “Kiếm Vương”, là kiếm thủ duy nhất trong lịch sử thắng HCV nội dung cá nhân kiếm chém ở 3 kỳ Thế vận hội liên tiếp. Anh đã vượt qua những “Đại tông sư về kiếm chém” như là “các tiền bối đồng hương” Jeno Fuchs (HCV cá nhân ở 2 kỳ giải Olympic London 1908 và Stockholm 1912), Rudolf Karpati (HCV cá nhân ở 2 kỳ giải Olympic Melbourne 1956 và Rome 1960); hay gần đây nhất là “vị tiền bối người Pháp” Jean-François Lamour (HCV 2 kỳ giải Olympic Los Angeles 1984 và Seoul 1988).
“Tôi thậm chí còn không thể miêu tả nổi cảm xúc của mình ngay vào lúc này”, “Hữu thủ kiếm thủ” Szilágyi xúc động cho biết sau chiến thắng, “Nhưng có thể nói rằng, tôi hoàn toàn cảm thấy choáng ngợp. Trước đó, tôi đã trải qua vô vàng khó khăn trong trận đấu bán kết (anh chỉ thắng “Kiếm Georgia” Sandro Bazadze với điểm số sát sao là 15-13). Đối thủ của tôi rất giỏi. Tôi đã phải thi đấu thật tập trung, để giành được chiến thắng. Còn trong trận chung kết này, tôi nhập cuộc với trạng thái “đỉnh phong”. Tôi thống trị trận đấu và mọi thứ đều đúng ý”.
Áron Szilágyi, người đã nhập cuộc áp đảo ngay từ đầu, chém ra 7 đường kiếm chính xác và dẫn điểm 7-1 từ rất sớm, kể từ đó “không quay đầu nhìn lại”, hào hứng cho biết thêm: “Suy nghĩ đầu tiên của tôi vẫn là: “Không thể tin nổi!”. Chuyện này không phải đang xảy ra, phải chăng nó không có thật? Chỉ là một giấc mơ thôi?? Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi giành được tấm HCV thứ 3 liên tiếp ở đấu trường Olympic. Tôi đặc biệt tự hào với chính bản thân mình…”.
“Sư phụ” của Szilagyi - ông Andras Decsi - cũng có lời chia sẻ tán dương “vị đệ tử đặc biệt” của mình: “Đây lại là một màn trình diễn kiếm thuật đẳng cấp khác của Szilagyi so với đối thủ. Có một phẩm chất khác khiến Szilagyi khác biệt hoàn toàn so với các kiếm sĩ đương thời. Đó là sự chính trực, thẳng chắn của cậu ấy, tinh thần thượng võ của chính cậu ấy. Cậu ấy dùng kiếm, dù vẫn còn trẻ, nhưng vẫn hành xử như là một Đại kiếm sư đã già dặn và lớn tuổi chững chạc”.
Dù xứng danh “Kiếm Vương”, Szilagyi vẫn chưa thể được xưng tụng là “Kim cổ Đệ nhất kiếm”. Trong quá khứ, cũng chẳng quá xa, còn có một vị “Kiếm Hoàng” “danh trấn giang hồ”. Đó là bà Valentina Vezzali. Vị “Nữ Kiếm Ý” này mới chính là người đầu tiên giành các tấm HCV cá nhân ở 3 kỳ Thế vận hội liên tiếp. Liên tục ở Olympic Sydney 2000, Athens 2004 và Beijing 2008, Vezzali đã thắng HCV ở nội dung kiếm liễu cá nhân. Tính tổng cộng, Vezzali hiện có số HCV gấp đôi của Szilagyi, 6 tấm HCV Olympic (tính cả ở các nội dung thi đấu đồng đội). Liệu đó có phải là một mục tiêu khác ở Olympic, để “Kiếm Vương” Szilagyi hướng đến hay là không???
Một số hình ảnh khác về chiến thắng của "Kiếm Vương"