Thắng vào giây cuối, tuyển Pháp có 5 trận toàn thắng
Với chiến thắng sát nút có điểm số 90-89 vào những giây cuối trước tuyển Slovenia, tuyển Pháp đang sở hữu chuỗi 5 trận toàn thắng ấn tượng nhất ở Olympic Tokyo 2020. Trước đó, họ đã lần lượt thắng tuyển Mỹ của KD với điểm số 83-76; thắng CH Czech với điểm số 97-77 và thắng đội tuyển Iran với điểm số 79-62 (tất cả đều diễn ra ở vòng bảng); kể từ vòng đấu loại trực tiếp, họ lần lượt thắng tuyển Ý 84-75 và vừa rồi là thắng Slovenia 90-89.
Đây là chuỗi thành tích hoàn toàn gây bất ngờ, nếu xét về cả lịch sử trình diễn lẫn phong độ gần đây nhất của tuyển bóng rổ Pháp. Lần cuối cùng khi bóng rổ Pháp lọt được vào chung kết ở đấu trường Olympic là Thế vận hội tại Sydney hồi 2000. Câu chuyện… 21 năm về trước đã chứng kiến tuyển Pháp loại Australia 76-52 ở bán kết và vào tranh HCV với “Dream Team”. Tuy vậy, tuyển Pháp đã để thua khá rõ rệt 75-85 và chỉ xếp vị trí Á quân…
Chưa từng giành HCV ở môn bóng rổ nam tại đấu trường Olympic, thành tích đẳng cấp quốc tế gần nhất của bóng rổ Pháp cũng chỉ là câu chuyện xa xưa đầy bụi bặm, khi họ thắng HCV ở giải EuroBasket hồi năm… 2013. Tại FIBA World Cup cách đây 3 năm, tuyển bóng rổ Pháp cũng chỉ thắng HCĐ, sau khi để thua cách biệt Argentina với điểm số là 66-80, trước khi đánh bại Australia với điểm số là 67-59. Tây Ban Nha đã vô địch năm đó!
Trong khi đó, tuyển Pháp cũng đã để thua 4/5 trận đấu gần đây, trước khi đến tham dự Thế vận hội tại Tokyo, trong đó có 4 trận thua liên tiếp. Họ thắng nghẹt thở Montenegro 73-71, rồi thua tuyển Anh 73-94 (ở Vòng loại EuroBasket); họ liên tục thua Tây Ban Nha 77-86 rồi 79-87, trước khi thua tiếp một đại biểu của châu Á - tuyển Nhật Bản, với điểm số là 75-81, ở loạt trận giao hữu. Có thể nói, tuyển Pháp đến Olympic với rất ít hy vọng, cho đến khi họ thắng người Mỹ.
Như vậy mới thấy, các thầy trò của ông Vincent Collet đã chơi cực hay, xét về mặt chiến thuật và kỷ luật tại kỳ Thế vận hội năm nay. Đối đầu với tuyển Mỹ ngay trong trận đấu mở màn, không e ngại đối phương là “Dream Team phiên bản mới”, tuyển Pháp đã khóa chặt KD khiến anh này chỉ ghi vỏn vẹn… 10 điểm (điểm số thấp nhất của anh trong một trận đấu tại Olympic ở Tokyo). Tuyển Pháp cũng đã áp dụng chiến thuật tương tự dành cho siêu sao Doncic của tuyển Slovenia, nhờ như vậy, họ đã hóa giải một phần đáng kể sức tấn công của đội này.
Tuyển Pháp bắt đầu dẫn trước Slovenia, tạo khoảng cách lên thành 2 điểm, 4 điểm, 6 điểm, thậm chí 10 điểm từ hiệp 3 trở đi. Doncic và các đồng đội đã nỗ lực để san bằng điểm số 2 lần, 78-78 và 82-82, nhưng tuyển Pháp vẫn tìm được cách vượt lên, lại tái tạo khoảng cách.
Khi trận đấu còn 33 giây, Doncic tung cú bắn bóng 3 điểm, giúp Slovenia rút ngắn điểm số xuống còn 89-90. Pháp tổ chức tấn công ngay sau đó nhưng Nando de Colo bỏ lỡ một pha lên rổ, tạo điều kiện để Doncic tranh bóng bật bảng thành công và có cú “triple-double” (thuật ngữ ám chỉ có số lần tranh bóng bật bảng thành công, số đường kiến tạo ghi điểm và điểm số ghi được từ con số 10 trở lên) lần lượt là 10-18-16. Doncic cầm bóng để phản công.
Batum, người hùng của chiến thắng, kể lại một cách đầy cảm xúc: “Tôi buộc phải hóa giải cú lên rổ đó. Tôi luôn mơ mộng thi đấu kiểu như vậy (chiến đấu đến những giây cuối cùng, tung ra một cú “block” khiến đối thủ không thể giành được điểm số quyết định, tương đương với một cú “save” của thủ môn trong môn bóng đá ở những phút cuối). Và tôi phải chơi như vậy, phải chơi như vậy, cho đội tuyển của chúng tôi. Và tôi đã thành công”.
Tuyễn Pháp vào chung kết, nhưng khó gây ra “bất ngờ thứ 3”. Những gì hay nhất, họ đã cống hiến trong trận đấu với tuyển Slovenia, khiến Doncic dù có có “triple-double” vẫn không thể ghi nhiều điểm số hơn theo ước nguyện, khiến Slovenia có trận đấu đầu tiên ghi dưới 90 điểm ở Olympic Tokyo… Trong một vị thế đầy thảnh thơi, vì rằng tuyển Mỹ đã dễ dàng đánh bại tuyển Australia 97-78 trong trận bán kết đầu tiên diễn ra từ sớm, KD và các đồng đội đã lăng yên quan sát màn trình diễn của tuyển Pháp, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu!