Futsal Việt Nam

Hy vọng gì ở giải vô địch châu Á 2006?

Hy vọng gì ở giải vô địch châu Á 2006?

Thông tin về giải vô địch Futsal châu Á 2006 sẽ diễn ra từ 21 đến 28-5 tại Tashkent (Uzbekistan) đến với các nhà chuyên môn lẫn người hâm mộ Việt Nam một cách hờ hững. Dù rằng, chưa đầy 1 năm trước, chúng ta đường hoàng là chủ nhà của Futsal châu Á, tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TPHCM. Nói một cách khác, Futsal chưa được nhìn nhận một cách đúng mức, được tổ chức cầm chừng, có cũng được và không có cũng không sao. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá Việt Nam, tức VFF.

Hy vọng gì ở giải vô địch châu Á 2006? ảnh 1

Hồng Sơn trong màu áo đội tuyển Việt Nam tại giải Châu Á 2005. Ảnh: D.P.

Tham dự Futsal 2006 có 16 đội bóng, trong đó có 13 đội giành quyền vào thẳng vòng chung kết, dựa trên thành tích của giải năm 2005 là Iran (vô địch), Nhật Bản (hạng nhì), Kyrgystan, Uzbekistan (chủ nhà), Thái Lan, Kuwait, Tajikistan, Trung Quốc, Lebanon, Palestine, Iraq, Đài Loan và Indonesia. 3 vé còn lại là cuộc tranh chấp giữa 10 đội bóng ở vòng đấu loại, chia làm hai bảng, dựa trên vị trí địa lý.

- Bảng 1 (hay còn gọi là bảng Đông Nam Á) gồm: Malaysia (chủ nhà), Việt Nam, Campuchia, Maldives, Turmenistan.
- Bảng 2 (còn gọi là bảng Đông Á) gồm: Macau (chủ nhà), Hàn Quốc, Hồng Công, CHDCND Triều Tiên và tân binh Australia.

Tham dự giải lần đầu, lại là quốc gia đăng cai, Việt Nam có cơ hội được thi đấu nhiều trận, cọ xát được nhiều đối thủ và tích lũy được một số kinh nghiệm cần thiết cho mình. Toàn giải, đội thi đấu 6 trận, thắng 2, hòa 1 và thua 3. Tuy nhiên, việc đầu tư sau đó cho bộ môn này hầu như chẳng có gì. VFF tuy có lập hẵn một tiểu ban Futsal, nhưng giao cho những người chưa có nhiều tâm huyết lẫn không có khả năng chuyên môn, khả năng tổ chức, nên cho đến nay không có một hoạt động nào tạm gọi là khuấy động phong trào.

Đội tuyển quốc gia tham dự giải lần trước mang tiếng là lắp ghép vội vã, thi đấu vật vờ, thiếu sự chuẩn bị thì lần này, khi vòng loại chỉ còn không đầy 3 tháng nữa, nhưng cũng chẳng thấy động thái gì. Chính sự “yên lặng” ấy của Futsal Việt Nam làm người hâm mộ đâm lo. Hy vọng tìm một vé vào vòng chung kết của đội tuyển Việt Nam xem ra rất mong manh.

Còn nhớ, Việt Nam là quốc gia đi trước cả Thái Lan trong việc phổ biến, tổ chức môn bóng đá trong nhà, mà nay gọi là Futsal. Tuy nhiên, lúc ấy việc tổ chức các giải đấu đơn thuần do địa phương hoặc ban ngành đứng ra tổ chức theo “tiếng gọi” của nhà tài trợ. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tự đặt mình ngoài cuộc chơi này và không có sự hỗ trợ, định hướng nào, để tạm gọi là làm nền tảng cho sự phát triển đỉnh cao trong tương lai.

Đài truyền hình Việt Nam đã rất nhiệt tình, với 2 lần tổ chức giải “Chiếc đĩa vàng” tại Đà Nẵng, nhưng cùng với nhà tài trợ Tiger Beer, họ chán nản khi cảm thấy bị đơn độc, bị “đem con bỏ chợ” trong một hoạt động mà đáng lý ra VFF phải tích cực giúp đỡ. Đội tuyển Việt Nam do Sông Lam Nghệ An làm nòng cốt từng có mặt tại Cúp thế giới (loại giải mời) do Singapore tổ chức năm 1997, thi đấu nhiều trận khá hay với các đối thủ lớn, rồi thắng chủ nhà 2-1 trong trận cuối cùng, tránh vị trí cầm đèn đỏ (lưu ý, Thái Lan lúc đó chưa có phong trào Futsal, chưa có đội tham dự).

Vậy mà cho đến tận hôm nay, mọi việc vẫn đâu vào đấy, trong khi Thái Lan bắt tay vào tổ chức môn Futsal một cách nghiêm túc, với hơn 600 đội bóng tham dự giải lần đầu tiên vào năm 1998 và hiện tại họ nằm trong top 4 đội dẫn đầu châu Á.

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục