Hội thảo chuyên môn thành tích cao của thể thao Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề căn bản nhất

Như vậy, Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao do Bộ VH-TT-DL chủ trì và Cục TDTT thực hiện không diễn ra trong ngày 24-11 mà chuyển thời điểm ở giai đoạn đầu tháng 12. Lãnh đạo ngành thể thao cho biết các nội dung thảo luận tại Hội thảo lần này sẽ rất xác thực và đi thực tế vào nhiều vấn đề.
Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo về thể thao thành tích cao trong tháng 12 năm nay. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo về thể thao thành tích cao trong tháng 12 năm nay. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Dự kiến ban đầu, Hội thảo được tổ chức vào ngày 24-11. Tuy nhiên, sau khi xem xét để phù hợp các yếu tố, Cục TDTT đã tham mưu để thời điểm tổ chức vào giai đoạn đầu của tháng 12 năm nay. Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã cho biết “chúng tôi sẽ mời những chuyên gia, nhà cựu quản lý và giới truyền thông thể thao để cùng đưa ra các ý kiến đóng góp vào sự phát triển chung của thể thao Việt Nam”.

Ngành thể thao sẽ tập trung đưa ra trao đổi các nội dung chính tại Hội thảo trên gồm: Đánh giá thực trạng thành tích cao của thể thao Việt Nam qua các kỳ tham dự Olympic, ASIAD từ năm 2012 tới năm 2023; Định hướng, đưa ra các giải pháp để có cơ sở xây dựng các kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới từ nay tới năm 2030; Thảo luận các giải pháp giành huy chương Olympic (năm 2024, 2028); HCV ASIAD (năm 2026, 2030), HCV SEA Games (năm 2025, 2027, 2029).

Ở cuộc làm việc ngày 3-11 tại Cục TDTT, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã được các đơn vị cùng đại diện các bộ môn (Cục TDTT) báo cáo sơ bộ về các nội dung đưa ra thảo luận từ đó sẽ ghi nhận những ý kiến quan trọng nhất của những người tham gia. Nhiều nhà chuyên môn, các chuyên gia thể thao, các nhà cựu quản lý thể thao và truyền thông về thể thao sẽ được mời tham dự Hội thảo trên.

Nhà quản lý Cục TDTT chờ đợi các ý kiến đóng góp cho lĩnh vực thể thao về thành tích cao của Việt Nam của người làm trực tiếp, nhà quản lý có sự phân tích phản biện từ đó ngành sẽ rút thêm kinh nghiệm, có bài học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao thời gian tới. Về cơ bản, qua từng giai đoạn phát triển và đầu tư cho lĩnh vực thể thao thì nhà quản lý đều có những góc nhìn cụ thể để tham mưu các đề án, chương trình đầu tư và Bộ VH-TT-DL là đơn vị thẩm định thực hiện.

Lần Hội thảo này, kết quả mà thể thao Việt Nam giành được tại ASIAD 19 chỉ là một trong những lý do để thực hiện chương trình đưa ra thảo luận. Bởi vì, người làm chuyên môn hiểu rõ nhất, thể thao phát triển hay không phải cần sự đầu tư và có nguồn lực mạnh mẽ. Khi có nguồn lực, việc đào tạo tuyển chọn từ cơ sở sẽ làm tiền đề giúp thể thao thành tích cao phát triển hơn. Chúng ta giành được 4 HCV, 15 HCB, 19 HCĐ tại ASIAD 18 năm 2018 và 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ tại ASIAD 19 cũng như không giành được huy chương nào ở Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020. Làm thế nào để thể thao Việt Nam phát triển thực chất rồi thành công là bài toán được đưa ra và mọi người hy vọng có nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo tới đây. Quan trọng nhất, chúng ta phải nhìn vào mặt bằng chung là các nền thể thao trong khu vực Đông Nam Á, châu Á đã và đang có sự đầu tư dựa trên sự phát triển kinh tế ở quốc gia trực tiếp nên thể thao không chỉ nói không bằng việc cố gắng thi đấu giành thành tích mà phải có đầu tư thực chất.

Tin cùng chuyên mục