Hiện tượng hay bản chất

Cũng thời điểm này mùa trước, Tottenham là đội bóng duy nhất có thể bắt kịp Leicester. Bây giờ cũng vậy. Mặc dù cơ hội để soán ngôi đối thủ của Tottenham cũng khá ít, chẳng khác mấy mùa trước nhưng có cần phải đặt ra câu hỏi: Những đội bóng khác đâu cả rồi?
Vì dù là Leicester hay Chelsea vô địch đi nữa thì sự thật là những Man.United, Man.City, Arsenal và Liverpool đều bị loại khỏi cuộc đua tranh từ khá sớm. Họ là những đội bóng chi tiêu nhiều nhất cho thị trường chuyển nhượng 2 mùa bóng qua, và sự thật khác là các đội Leicester, Tottenham, Chelsea đều không cần phải dùng quá nhiều tiền vẫn cứ dẫn đầu giải ngoại hạng. Họ mạnh hay do các "đại gia” kia yếu, đó là câu hỏi đáng suy ngẫm.

Bởi ngay lúc này, theo đánh giá của các nhà phân tích, 4 đội bóng nói trên nhiều khả năng sẽ chuẩn bị khoản ngân sách lên đến 800 triệu bảng cho mùa hè sắp đến. Tức là họ sẽ tiếp tục mua cầu thủ bất chấp thực tế đã phân tích nói trên. Nó gần như là lựa chọn duy nhất của họ vào thời điểm này khi đứng trước nguy cơ trắng tay trong mùa giải.

Hiện tượng càng mua nhiều, càng khó thành công phải chăng là bản chất của giải ngoại hạng. Càng lúc người ta càng khó dung hòa giữa lợi ích kinh tế và thành công chuyên môn. Cái thời mà Man.United mua ít, thu nhiều, thành công lớn gần như đã đi vào quá khứ. Bây giờ, Man.United cứ phải chạy theo sự dẫn dắt của đồng tiền chứ không thể kiểm soát được nó như lúc còn Sir Alex Ferguson.

Arsenal cũng là điển hình. Lúc phải siết chặt hầu bao, họ vẫn bảo đảm được vị thế của mình trên sân cỏ, nhưng từ khi vung tiền cho thị trường chuyển nhượng, thứ hạng càng ngày càng kém đi. Không thể nói Arsenal keo kiệt trong mua sắm nhưng có vẻ như họ cũng chẳng biết phải làm gì để trở lại như trước, nên bằng mọi cách vẫn cứ phải giữ lại HLV Wenger như thể đó là niềm tin duy nhất.

Hai năm liền Tottenham đốt nóng cuộc đua, có khi năm sau họ sẽ vô địch và điều đó sẽ càng tạo ra mâu thuẫn về đồng tiền ở giải ngoại hạng Anh.

Tin cùng chuyên mục