Bóng đá là địa ngục?

Vâng, bây giờ là chuẩn bị cho derby nước Anh, giữa Man.United và Arsenal, dù trận derby hoành tráng xưa kia nay đã nhạt màu bởi giữa họ không còn là sự cạnh tranh ngôi vua của Premier League nữa mà chỉ còn là cuộc chạy đua vào tốp 4, cho một suất kiếm bộn tiền từ Champions League năm sau.
 Và giữa không khí chuẩn bị cho derby ấy, người ta đang nhắc đến những chấn thương, ở Old Trafford, những chấn thương mà có thể Mourinho sẽ cân nhắc đến việc tung đội hình dự bị cho trận gặp Arsenal để dồn sức cạnh tranh chức vô địch Europa League.

Nhưng chấn thương mà các cầu thủ Man.United đang gánh chịu cũng chỉ là chấn thương thể lý đơn thuần, tức là những chấn thương chúng ta có thể nhìn thấy, và định lượng được về ảnh hưởng của chúng lên thể chất cầu thủ. Đó cũng là những chấn thương mà bắt buộc người ta phải chấp nhận trong cuộc chơi và thực sự chẳng có cầu thủ nào trong đời chơi bóng chưa một lần dính chấn thương thể lý như vậy cả. Còn những chấn thương khác, vô hình, chúng ta có thể không nhận ra, thậm chí cho rằng cầu thủ đang giả vờ, nhưng thực chất lại nguy hại hơn nhiều lần.
Aaron Lennon, một cầu thủ từng được coi là tiềm năng mới của bóng đá Anh ngày nào, được ví von với những McManaman hay Darren Anderton trong quá khứ, bây giờ đang ở đâu? Sẽ nhiều người trả lời ngay “Vẫn còn là cầu thủ Tottenham, nhưng đang cho Everton mượn”. Câu trả lời ấy chính xác, nhưng chưa đúng với mục đích của câu hỏi. Aaron Lennon đang trong bệnh viện, để bắt đầu đợt điều trị tâm lý do rối loạn căng thẳng kéo dài.
Trường hợp của Lennon không phải ngoại lệ và nếu chúng ta nhìn vào con số bao nhiêu cầu thủ Premier League đã phải trải qua những kỳ chữa trị tâm lý kéo dài ở mùa giải trước, chúng ta sẽ không khỏi giật mình. Năm qua, 160 cầu thủ đã tìm đến dịch vụ y tế điều trị chấn thương tâm lý, một chương trình mà Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Anh đã bắt đầu từ năm 2012, để chữa chạy các căn bệnh tâm lý phát sinh trong thời gian chơi bóng. Trong số 160 bệnh nhân đó, có 62 người đang chơi bóng chuyên nghiệp và 98 người là cựu cầu thủ chuyên nghiệp. Và kể từ năm 2012, năm khởi phát chương trình, đã có 622 ca “nhập viện”.

Con số đó nói lên rất nhiều. Đời sống cầu thủ ở giai đoạn bóng đá hiện đại ngày một trở nên phức tạp hơn, nhiều áp lực hơn và cũng lắm đòi hỏi hơn. Chúng ta vẫn nghe và ca ngợi câu chuyện chuyên nghiệp của Cristiano Ronaldo, khi anh nán lại phòng tập thêm 2 tiếng đồng hồ nếu bữa tối hôm trước anh có uống quá định mức 1 chai bia. Câu chuyện đó cho thấy, áp lực duy trì sự “chuẩn mực” là như thế nào, nhất là khi nó kéo dài ngày này qua ngày khác như một cái gông nhàm chán. Đó là còn chưa kể đến những căng thẳng thường trực đến từ truyền thông, người hâm mộ… Chúng ta cho rằng là người nổi tiếng thì phải tập quen với điều đó. Thật ngốc nghếch. Người nổi tiếng cũng chỉ là thường nhân chứ không phải siêu nhân. Mỗi tích tụ hàng ngày từ các áp lực có thể khiến cơ thể họ bị hủy hoại, thậm chí phát điên.

Chúng ta hãy đọc thử một bình luận của người đọc trên tờ The Times xoay quanh bài viết về sự căng thẳng thường trực mà cầu thủ phải chấp nhận. “Vâng, để đong đếm các vấn đề mà họ gặp phải, chúng ta nên nghĩ đến chuyện họ mệt mỏi căng thẳng vì phải đếm tiền của mình trong nhà băng”. Bình luận ấy, đã qua cửa kiểm duyệt của toà soạn The Times, điều đồng nghĩa với việc truyền thông cũng góp một tay vào việc tạo bệnh cho cầu thủ. Phải chăng, bóng đá hôm nay đã chính thức là địa ngục?

Tin cùng chuyên mục