Bóng đá Campuchia “trẩy hội” SEA Games 32

“Anh đến sân Olympic để xem đội bóng đá U22 Campuchia thi đấu? Đội bóng của chúng tôi năm nay rất mạnh, đủ sức cạnh tranh huy chương SEA Games 32”, bác tài chạy xe tuktuk Thorn Bunthy (34 tuổi) hớn hở mở đầu cuộc trò chuyện, khi chở nhóm phóng viên Việt Nam đến sân Olympic tác nghiệp trận ra quân của đội chủ nhà U22 Campuchia.
"Bóng hồng" Campuchia đến cổ vũ cho thầy trò HLV Honda.
"Bóng hồng" Campuchia đến cổ vũ cho thầy trò HLV Honda.

Khi được nhận lại câu hỏi “có đến xem sân xem U22 Campuchia không?” - giọng bác tài trầm hẳn lại. Bởi “miếng cơm manh áo” buộc người đàn ông đang sống đầy chật vật ở thủ đô Phnom Penh phải tạm gác lại đam mê bóng đá. Tối muộn 29-4, tin rằng còn có hàng nghìn người hâm mộ Campuchia cũng mang tâm trạng hụt hẫng như bác Thorn Bunthy, vì những lý do khác nhau mà phải lỡ đi thời khắc lịch sử của bóng đá Campuchia ở đấu trường SEA Games.

Bóng đá Campuchia có thể khiêm tốn về mặt thành tích trên trường Đông Nam Á, nhưng tình yêu của người hâm mộ bóng đá xứ chùa Tháp nồng nhiệt không thua kém các cường quốc Việt Nam, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Chỉ chưa đầy 2 ngày, vé xem trận ra quân của U22 Campuchia gặp U22 Timor Leste đã được phân phối hết đến tay người hâm mộ. Đến khi bóng đã lăn được vài phút, còn có hàng trăm người không có vé đứng ngoài hàng rào ở khán đài A, chân nhón lên với hy vọng được thấy đường bóng hay pha dàn xếp tấn công đẹp nào đó từ các cầu thủ “con cưng”. Thậm chí, có người còn bất chấp nguy hiểm trèo rào vào bên trong. Đó chỉ là một lát cắt cho thấy sự cuồng nhiệt của giới mộ điệu ở Campuchia.

Cổ động viên Campuchia đến sân Olympic từ rất sớm.

Cổ động viên Campuchia đến sân Olympic từ rất sớm.

Thật ra, nhóm phóng viên Việt Nam đã dự báo sân Olympic chắc chắn “phủ kín” 50.000 khán giả ở trận ra quân của U22 Campuchia. Nên sau khi kết thúc thời gian tác nghiệp buổi tập của U22 Việt Nam ở sân AIA, nhóm lập tức bắt xe sân đến sân Olympic để ghi nhận hiện trường và tác nghiệp trận đấu. Dù đã tính trước, nhưng chúng tôi vẫn gặp khó, bởi mọi ngả đường đều đổ về biểu tượng một thời của thể thao Campuchia này. Cách sân Olympic 2km, chiếc xe tuktuk chỉ nhích chậm vài mét vì đường kẹt cứng. Cũng may, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên lực lượng an ninh dễ dàng điều phối vấn đề giao thông ở “mặt tiền” của sân thi đấu.

Có mặt ở sân Olympic 2 tiếng trước giờ bóng lăn mới cảm nhận rõ bầu không khí cuồng nhiệt được các cổ động viên nước chủ nhà tạo ra. Họ đến sớm, không chỉ chiếm một vị trí ngồi có “view đẹp”, mà còn để hòa mình vào ngày hội thể thao lớn nhất khu vực, điều mà thể thao Campuchia đã chờ đợi 64 năm mới được giải “cơn thèm” SEA Games. Những bài nhạc EDM làm khuấy động 4 khán đài, xen lẫn những bài hát truyền thống để giới thiệu những nét đẹp xứ Angkor đến bạn bè quốc tế. Để rồi, sự háo hức và đợi chờ của người hâm mộ Campuchia đã được đền đáp bằng chiến thắng 4-0 đầy ấn tượng của thầy trò HLV Keisuke Honda, mở ra những hy vọng về thành tích tốt nhất ở kỳ SEA Games đầu tiên được thi đấu trên sân nhà.

Bầu không khí sôi động do cổ động viên Campuchia tạo ra

Bầu không khí sôi động do cổ động viên Campuchia tạo ra

Chị Chhon Navi, 34 tuổi, nhân viên hỗ trợ phòng truyền thông ở sân Olympic, chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ từ trước đó vài ngày. Hôm nay, dù có nhiều công việc, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến khi tối muộn kết thúc trận đấu, nhưng mọi người rất vui và không gặp nhiều áp lực. Bởi lẽ được góp một phần công sức để quảng bá hình ảnh, đất nước Campuchia là một niềm vui, xóa đi nỗi mệt nhọc trong ngày”.

Tin cùng chuyên mục