Bóng chuyền nam Việt Nam thất bại ở SEA Games 25: Mọi thứ đã quá cũ kỹ

Trắng tay rời nước Lào dù được đánh giá sẽ vô cùng khởi sắc, đội tuyển bóng chuyền nam có quá nhiều vấn đề phải xem xét lại. Từ con người đến lối chơi, cái gì cũng mang vẻ “cũ kỹ”, thiếu linh hoạt và trông chờ quá nhiều vào một vài vị trí trên sân, trong khi ai cũng thừa biết rằng đây là một môn chơi giàu tính tập thể...
Bóng chuyền nam Việt Nam thất bại ở SEA Games 25: Mọi thứ đã quá cũ kỹ

Trắng tay rời nước Lào dù được đánh giá sẽ vô cùng khởi sắc, đội tuyển bóng chuyền nam có quá nhiều vấn đề phải xem xét lại. Từ con người đến lối chơi, cái gì cũng mang vẻ “cũ kỹ”, thiếu linh hoạt và trông chờ quá nhiều vào một vài vị trí trên sân, trong khi ai cũng thừa biết rằng đây là một môn chơi giàu tính tập thể...

Các cựu binh như Duy Quang (10) sa sút phong độ, khiến bóng chuyền Việt Nam trắng tay rời SEA Games 25.

Các cựu binh như Duy Quang (10) sa sút phong độ, khiến bóng chuyền Việt Nam trắng tay rời SEA Games 25.

Lỗi lập trình

Giống như một cỗ máy, đội tuyển bóng chuyền nam được lập trình sẵn để sang Lào với mục tiêu qua mặt Indonesia, trở thành đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra đúng như những gì người ta kỳ vọng.

Thậm chí, khi nhìn vào đội hình có tới 2 “thương binh” Ngô Văn Kiều và Lê Quang Khánh, cùng khá nhiều cựu binh đang sa sút, như cây chuyền 2 Minh Dũng, chủ công Duy Quang, các phụ công Văn Thành, Văn Tuấn, một nhà chuyên môn uy tín đã cho rằng rất khó để đội tuyển nam đi đến được trận đấu cuối cùng.

Mà quả thực, nhìn lại mới thấy lực lượng của bóng chuyền Việt Nam già thật. Trong khi, bóng chuyền Thái Lan sau kỳ SEA Games 24 thất bát, đã tạo nên cuộc thay máu lực lượng triệt để. Vì thế, đội hình của họ đến Lào lần này hều hết là các VĐV trẻ và giàu tinh thần chiến đấu. Và trong lối chơi biến hóa của người Thái, giới chuyên môn khu vực lập tức nhận ra, cú trượt ngã 2 năm trước của họ chỉ mang tính nhất thời và nó giống như thời điểm chuyển giao lực lượng là chính. Vì thế, dù có thua đội ĐKVĐ Indonesia 2-3 ở trận chung kết, thì người Thái cũng có thể hài lòng với hiện tại. Hơn thế, ở kỳ đại hội 2 năm sau nữa, bóng chuyền Thái Lan tràn trề hy vọng trở lại với ngôi đầu khu vực, khi các cầu thủ trẻ đã chín thực sự.

Sau 4 năm, kể từ SEA Games 23 ở Philippines, đội tuyển bóng chuyền nam chỉ có một vài gương mặt xuất hiện, như cặp chủ công Ngô Văn Kiều, Lê Quang Khánh hay cây chuyền 2 Giang Văn Đức, còn lại, hầu hết đều là những gương mặt cựu binh, chơi không còn sắc sảo như trước. Điều đó chỉ ra một thực tế, chúng ta vẫn chưa mạnh dạn đổi mới lực lượng, mở ra cơ hội cho các gương mặt trẻ trui rèn chuyên môn và kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Và rõ ràng vẫn còn dáng vẻ của sự cả nể trong cách tuyển chọn người khi triệu tập ĐTQG.

Hàng chắn Việt Nam thường hoảng loạn trước những pha tấn công của đối phương. Ảnh: Quang Thắng

Hàng chắn Việt Nam thường hoảng loạn trước những pha tấn công của đối phương. Ảnh: Quang Thắng

Quá nhiều nhược điểm !

Không cần đợi đến trận bán kết với Thái Lan, gần như tất cả những nhược điểm, từ khâu chuyền 1, chắn bóng, phòng thủ hàng sau đến các miếng phối hợp tấn công hay tinh thần thi đấu của đội tuyển nam đều lộ ra hết ở trận vòng bảng gặp ĐKVĐ Indonesia. Và cũng không thể đổ hết lỗi cho chủ công Ngô Văn Kiều đã thi đấu dưới sức được, vì suốt cả năm qua, Kiều khổ sở chữa trị “đa chấn thương” vai và cơ bụng.

Đồng ý rằng, Kiều chính là điểm sáng của bóng chuyền nam Việt Nam 2 năm trước. Nhưng khi chủ công này gặp vấn đề về sức khỏe, trong lúc người được kỳ vọng khác là chủ công Lê Quang Khánh vẫn chưa bình phục hoàn toàn chấn thương tay, đấu pháp đưa ra cần hợp lý và khéo léo hơn, thay vì luôn “đóng khung” vào những miếng tấn công biên rời rạc.

Các tay đập Việt Nam mất chuyền 1 - khâu cơ bản nhất để cấu thành một pha tấn công - nên chẳng khó hiểu khi cây chuyền 2 trẻ Giang Văn Đức loay hoay hết quỳ, tràn qua phải, rồi qua trái để chuyền điều chỉnh cho đồng đội dứt điểm. Kiều, Hữu Hà, Quang Khánh, rồi Văn Tuấn hay Văn Thành không có được tư thế đập bóng tốt, thành ra không khó để đối phương hóa giải.

Thêm vào đó, cách tổ chức hàng chắn trên lưới khá hoảng loạn, thường bật lên quá sớm so với bước nhảy của chủ công đối phương. Hậu quả là những cú đập của các cầu thủ Thái Lan, Indonesia hay sau đó là Myanmar ở trận tranh HCĐ dễ dàng xuyên, vượt hoặc bạt tay chắn Việt Nam.

Cái thua của bóng chuyền nam Việt Nam trước các đối thủ khu vực ở kỳ SEA Games này là... rất toàn diện, từ con người sử dụng đến kỹ, chiến thuật và tinh thần thi đấu. Hẳn những nhà chuyên môn trong nước đều hiểu cần phải cải tiến những gì cho đội bóng trong thời gian tới, để không lâm vào cảnh tay trắng thêm nữa khi phó hội. 

LÊ QUANG

Phó Chủ tịch LĐBC Việt Nam Nguyễn Bá Nghị:

“Nếu chỉ nhìn vào thứ hạng ở giải thì kết quả trên vẫn chưa phản ánh đúng chất lượng chuyên môn của các đội. Indonesia là đội trên tầm ai cũng biết trong khi Thái Lan, Việt Nam, Myanmar là 3 quốc gia sở hữu đội bóng chuyền nam trình độ ngang nhau. Tuy nhiên, chúng ta thua bởi thực tế cho thấy lối đánh của các tuyển thủ không có gì mới, thiếu sự biến hóa. Sau 2 năm, các đối thủ đều có nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng và khi chúng ta không vượt hơn thì bị khắc chế là dễ hiểu.

Ngoài ra, về con người thì một vài vị trí đã không đảm bảo tốt phong độ. Ví dụ như 2 mũi nhọn Văn Kiều và Hữu Hà dù có kinh nghiệm nhưng các quả đập của họ đã mất hiệu quả ở giải này. Đội cũng có nhiều gương mặt trẻ góp mặt nhưng do kinh nghiệm trận mạc ít nên dễ bị xuống tinh thần trong thời điểm quyết định. Tôi cũng nhìn nhận chúng ta thất bại một phần do tinh thần thi đấu. Không phủ nhận nỗ lực của các tuyển thủ nhưng khi thi đấu chưa thể hiện quyết tâm cao nhất thì rất khó giành được thắng lợi. Vào những thời điểm quyết định, tâm lý vững là điều cốt yếu giúp đội vượt khó nhưng chỉ có đối phương thể hiện tốt còn chúng ta thì chưa”.

M.C ghi


HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng:
Bản lĩnh các cầu thủ còn yếu!

Không giữ được chiếc HCB từng giành được tại SEA Games 24, trên đất Lào, bóng chuyền nam Việt Nam còn trắng tay ra về. Tính ra cả giải, đội nam VIệt Nam chỉ thắng một trận duy nhất (3-1 trước Malaysia), trong khi thua liên tiếp trước 3 đối thủ trực tiếp là Indonesia, Thái Lan và Myanmar.

Ngay khi trở lại Việt Nam, HLV trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc trao đổi với SGGP Thể thao:

* Ông có thể đánh giá kỹ về phong độ của đội tuyển tại SEA Games 25?

- Nhìn chung, tôi đánh giá đội tuyển nam lần này đã không giữ được phong độ tốt. Trắng tay không giành được huy chương là điều chẳng ai muốn, nhưng có thể thấy khi các cầu thủ còn chưa thật tự tin trước đấu trường quan trọng thì dễ kéo theo chất lượng chuyên môn bị đi xuống. Ngoài ra bản lĩnh thi đấu của ta vẫn còn yếu.

HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Mạnh Hùng.

HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Mạnh Hùng.

* Phải chăng điều ấy có ảnh hưởng từ yếu tố con người?

- Đúng là ở Lào, các gương mặt chủ lực như Văn Kiều, Hữu Hà, Văn Thành, Duy Quang… đã không giữ được phong độ cao nhất. Khi những điểm tựa không hiệu quả trên sân, thì hiệu ứng dây chuyền xảy ra khiến các gương mặt trẻ bị xuống tâm lý, làm bóng cũng như tấn công không chuẩn xác.

Qua các trận đấu với Myanmar, Thái Lan và Indonesia, gần như chúng ta không phát huy được những quả bật cao tấn công ghi điểm, nên tâm lý bị “rơi” cũng dễ hiểu. Đội trưởng Ngô Văn Kiều cũng không còn là chính mình như 2 năm trước do chấn thương và do chuyên môn giảm sút. Kiều là vị trí chính trong đội hình, anh không chuẩn xác trong tấn công cũng tác động tới những cá nhân xung quanh.

* Sau giải vô địch châu Á 2009, ông từng nhìn nhận đội tuyển đã gặp vấn đề ở khâu chuyền 1, chắn bóng và sẽ có những điều chỉnh. Nhưng tại SEA Games 25, một lần nữa các tuyển thủ lại mắc phải lỗi này, để rồi lần lượt thua không đáng có trước những đối thủ trực tiếp. Ông có thể giải thích kỹ hơn?

- Đúng là sau giải châu Á, Ban huấn luyện đã chỉ rõ những điểm yếu cần khắc phục. Bóng chuyền cũng như bóng đá, đều là môn thể thao tập thể vừa cần sự vận hành uyển chuyển của toàn đội, vừa cần tầm ảnh hưởng của một vài cá nhân nòng cốt. Tôi nhìn nhận lỗi này ở chỗ các tuyển thủ thi đấu không đúng sức. Hàng tấn công không thật hiệu quả, vì các chủ công kết thúc không chính xác, khiến toàn đội xao động tâm lý. Nói về nguyên nhân thì có nhiều, nhưng rút lại mỗi cá nhân đều tự có phần kém của mình trong đấy và chúng ta không đạt được mục tiêu như đề ra quả thật đáng tiếc.

* Ông nói sao về thất bại trước Myanmar ở trận tranh HCĐ?

Tại giải châu Á, đội tuyển thua Myanmar 1-3 và quả đúng là tại Lào đối phương thi đấu với tinh thần quyết tâm rất cao ở trận tranh HCĐ. Trong khi đó, sự quyết tâm của các cầu thủ Việt Nam chưa thật cao, nên dẫn tới những sai sót. Sau mỗi trận, Ban huấn luyện đều họp rút kinh nghiệm, nhưng trên sân dù đã có điều chỉnh trong khi tâm lý của VĐV không thoáng thì khó đạt được kết quả như mong đợi. 

MINH CHIẾN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục