Cuộc thử việc tại Hàn Quốc vừa qua của 3 cầu thủ Trần Tú Linh, Lý Thị Luyến, Nguyễn Thị Bích Thủy đã khép lại. Ba tay đập của đội nữ Hóa chất Đức Giang lào cai về nước ngày 1-5 và không người nào đạt được bản hợp đồng thi đấu với một đội bóng sau chương trình thử việc. Dẫu thế, giới chuyên môn ghi nhận, đây là lần đầu tiên bóng chuyền nữ Việt Nam có cầu thủ được mời sang Hàn Quốc thử chuyên môn để tìm cơ hội ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp.
Hướng đi nào để phù hợp nhất cho cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam được cơ hội ra nước ngoài thi đấu? Đây là bài toán đã có một số lời giải cụ thể. Tuy vậy nhìn chung, chúng ta đang phải so bó đũa chọn cột cờ ở lực lượng cầu thủ vì bóng chuyền nữ Việt Nam chưa sở hữu đông đảo cầu thủ tốt chuyên môn lẫn hình thể (chiều cao). Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường từng phân tích “một trong những hướng hiện tại của các đội là kết nối với người môi giới để tìm cơ hội cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Tuy nhiên, một hướng khác đang thực hiện là sự ký kết hợp tác giữa đội bóng của Việt Nam và đội bóng ở nước ngoài. Như thế, cầu thủ được cơ hội trao đổi, khoác áo thi đấu”.
Đội nữ VTV Bình Điền là đội đầu tiên đi theo mô hình gắn kết với một đội bóng bên ngoài Việt Nam để tìm cơ hội phát triển chuyên môn. Trước đây, đội bóng này từng làm việc với một đội bóng ở Đài Bắc Trung Hoa. Tuy vậy trong thời điểm hiện tại, việc trao đổi cầu thủ vẫn đang phải tính toán kỹ lưỡng bởi lực lượng cần có những con người tốt nhất. Tuy nhiên, VTV Bình Điền Long An lại thành công ở việc chấp nhận ảnh hưởng lực lượng trong nước nhưng cho phép cầu thủ trụ cột đi học việc, thi đấu thành danh ở nước ngoài. Hai trường hợp Nguyễn Thị Ngọc Hoa và Trần Thị Thanh Thúy của đội bóng này đã và đang minh chứng cho điều ấy. Thậm chí, Thanh Thúy đã có dấu ấn để lần đầu được một đội bóng tại châu Âu (đội Kuzeyboru – Thổ Nhĩ Kỳ) ký hợp đồng và lên đường vào ngày 1-8 tới đây.
Đội bóng chuyền nữ của Binh chủng Thông tin liên lạc hiện đang gắn kết với đội Supreme Chonburi-E.Tech. Do đó, các tay đập Đoàn Thị Lâm Oanh, Hoàng Thị Kiều Trinh đã được trao đổi sang Thái Lan thi đấu giải vô địch quốc gia ở nước bạn vừa qua. Đổi ngược lại, cầu thủ của đối tác Thái Lan như Pleumjit Thinkaow, Siriwan Deekaew, Watchareeya Nuanjam sang Việt Nam khoác áo thi đấu. Thời điểm hiện tại, đội bóng áo lính đang sở hữu gương mặt trẻ triển vọng Phạm Quỳnh Hương (16 tuổi, thi đấu chủ công, cao 1m87). Giới chuyên môn dự báo, nếu cầu thủ này được những cơ hội thi đấu tích lũy như đàn chị Trần Thị Thanh Thúy thì sự phát triển rất khả quan cũng như chúng ta đủ cơ sở để tin tưởng cho cầu thủ xuất sắc tiếp theo mà nhiều đội bóng quốc tế mời gọi.
Hiện tại, có thêm 2 câu lạc bộ khác ở làng bóng chuyền nữ trong nước đang quyết tâm thực hiện theo mô hình này. Trước mắt, họ phải giải quyết việc ổn định nguồn lực đầu tư, đạt được kết quả chuyên môn cao trong nước sau đó mới tiến tới mô hình có đối tác bên ngoài Việt Nam.
Trên thực tế, bóng chuyền nữ Việt Nam đang có 9 đội dự giải vô địch quốc gia 2024, 11 đội dự giải vô địch hạng A toàn quốc 2024. Số đội bóng sở hữu cơ sở tập luyện đầy đủ, môi trường tập luyện bóng chuyền tốt và có khả năng tuyển chọn cầu thủ năng khiếu hiệu quả trong những đơn vị đào tạo về bóng chuyền nữ ở Việt Nam hiện tại không nhiều. Trước khi cầu thủ tìm cơ hội ra nước ngoài, họ phải khẳng định được chuyên môn trong nước, có dấu ấn bản thân thì mới thành công.