“Bại tướng của Usain Bolt” Andre de Grasse xưng hùng ở cự ly 200m, tuyển Mỹ bị loại ở cự ly tiếp sức 4x100m
SGGPO
Andre de Grasse (Canada) từng là bại tướng của “Vua tốc độ” Usain Bolt ở cự ly chạy 200m tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Nhưng lần này, ở Olympic Tokyo 2020, Bolt đã giải nghệ. Nghĩa là chẳng còn ai có thể “kềm chế” VĐV 26 tuổi quê ở Ontario trên đường chạy 200m nữa. Và De Grasse đã chính thức xưng hùng khi giành tấm HCV ở cự ly 200m này.
19 giây 62, đó là thành tích De Grasse tạo ra khi vượt qua đích đến. Anh đánh bại cả 2 niềm hy vọng người Mỹ là Kenny Bednarek (chỉ giành HCB với thành tích 19.68) và Noah Lyles (giành HCĐ với thành tích 19.74).
Điều đáng nói ở đây chính là, tuy 19.62 là thành tích cá nhân tốt nhất của De Grasse, và nó cũng giúp anh phá Kỷ lục quốc gia Canada, nhưng anh không phải là VĐV chạy nhanh nhất ở cự ly này thời “hậu Usain Bolt”.
Người chạy nhanh nhất, chính là Lyles, từng lập thành tích 19.50 hồi năm 2019 (và là người chạy nhanh thứ 4 trong lịch sử). Tuy vậy, ngay tại SVĐ Quốc gia ở Tokyo, De Grasse mới là người giành chiến thắng…
De Grasse mới là người chiến thắng
5 năm trước, tại Thế vận hội Brazil mùa Hè 2016, cái tên De Grasse “lạ hoắc” đã chính thức bước ra ánh sáng khi chỉ thua mỗi mình “Tia chớp” Bolt trên đường chạy chung kết của cự ly 200m.
Năm đó, Bolt đã không còn ở trạng thái “đỉnh phong” (VĐV chạy nước rút khét tiếng người Jamaica đã đạt trạng thái đỉnh phong trong 2 năm 2008 và 2009, khi liên tục lập KLTG ở cự ly 200m tại các giải đấu ở Beijing, với thành tích lần lượt là 19 giây 30 và 19 giây 19).
Khi đó, De Grase là người “tiệm cận” Bolt nhất, trong khi Bolt thắng với thành tích 19.78, De Grasse cũng về đích thứ nhì với thành tích là 20.02. Cũng ở kỳ Olympic đó, anh thắng thêm HCĐ cự ly 100m.
De Grasse và Bolt ở Olympic Rio de Janeiro
Chiếc bóng quá to lớn của Bolt đã xóa nhòa mọi gương mặt xung quanh. Thêm nữa, De Grasse đã khởi đầu Thế vận hội tại Nhật Bản bằng… thất bại ở cự ly 100m (anh lại giành HCĐ, đứng sau Marcel Jacobs của Ý và Fred Kerley của Mỹ).
Thế nên, khi bước vào đường chạy chung kết của cự ly 200m, anh không tạo ra sự chú ý quá lớn. Nhưng chiến thắng mới nhất, tấm HCV đầu tiên ở cự ly 200m thời “hậu kỳ Usain Bolt” đã khiến cái tên De Grasse đình đám trở lại.
“Tôi muốn mọi người biết rằng, tôi đã gây sốc cho cả thế giới. Tôi cũng biết mọi người nói rằng, người Mỹ đến đây là để giành chiến thắng. Nhưng đây mới là thời khắc của tôi!”, De Grasse hào hứng nói.
“Tôi biết, tôi có nó ở trong mình. Tôi chỉ muốn bước ra đường chạy, hoàn tất các công việc của mình. Tôi đã tập luyện nỗ lực. Tôi đã chiến đấu với nghịch cảnh, tiến lên vượt qua những chấn thương (De Grasse có giai đoạn cực kỳ khó khăn trong 2 năm 2017-2018, khi đối mặt vưới nhiều ca chấn thương và bệnh tật, đó là lý do anh đã “biến mất” sau tấm HCB ở Rio de Janeiro 2016, từ đó mọi người không còn chú ý nhiều vào anh)"
"Nhưng những nhà tài trợ của tôi, gia đình của tôi, bạn bè của tôi chưa bao giờ từ bỏ tôi, bất chấp tôi từng vài lần từ bỏ chính bản thân mình. Họ nói tôi vẫn còn nhiều nhiên liệu trong thùng chứa. Đừng để truyền thông, và áp lực gây ra ảnh hưởng, hãy bước ra đường chạy - để làm chính bản thân của mình”.
De Grasse tiếp tục nhờ vào người thân - bạn bè rất nhiều
“Năm 2017 là quãng thời gian thật sự khó khăn với tôi. Tôi ở London xem giải vô địch thế giới qua ti vi. Tôi từng cảm thấy tôi có thể ở đó và cảm giác tôi có thể giành được HCV ở đó. Tôi đã từng ở trong trạng thái tuyệt vời"
"Để rồi quay trở lại trong năm 2018, tái phát chấn thương, đó là chấn thương gân kheo cũ, thật sự khiến tôi cảm thấy suy sụp. Tôi đã phải duy trì điều trị, tôi phải tiếp tục tiến lên, cố thúc ép bản thân mình”, De Grasse chia sẻ.
Giờ đây, anh đang cảm thấy rất ngọt ngào. Khi gọi về nhà báo tin chiến thắng, anh nói ngay với mẹ của mình, người mẹ chưa bao giờ từ bỏ hy vọng vào anh: “Cuối cùng, con đã thắng, mẹ à!”.
Không chỉ giành HCV đầu tiên cho điền kinh Canada ở Olympic Tokyo, HCV chạy tốc độ đầu tiên cho điền kinh Canada sau 25 năm (kể từ thời của “tiền bối” Donovan Bailey ngay trên đất Mỹ - tại Olympic Los Angeles 1996) và cũng là HCV ở cự ly 200m đầu tiên cho điền kinh Canada sau… 93 năm, De Grasse còn là “cứu tinh” đưa tuyển Canada lọt vào chung kết tranh huy chương ở cự ly tiếp sức 4x100m, cự ly thi đấu mà tuyển Mỹ đã bị loại một cách “mối mặt”.
Tuyển Canada cần lọt vào tốp 3 ở vòng đấu loại của mình nếu muốn giành quyền vào VCK. Trước khi bước vào vòng chạy cuối cùng, của De Grasse, họ đang xếp ở vị trí thứ 5. De Grasse không chỉ giúp tuyển Canada, anh còn giúp đồng đội cân bằng thành tích nhanh nhất: 37.92.
Trong khi đó, thất bại của tuyển Mỹ khiến nhiều người cảm giác phẫn nộ. Ở nội dung thi đấu mà tuyển Mỹ chưa bao giờ bị loại trước VCK, họ đã… bị loại. Màn trao gậy lộn xộn giữa Fred Kerley và Ronnie Baker (2 VĐV chạy ở các vị trí thứ 2 và thứ 3 của đội chạy tiếp sức Mỹ), Kerley phải trao gậy đến lần thứ 3, khi mà 2 người gần như đã chạy song song nhau, Baker mới nhận được quyền để bứt tốc, khiến Cravon Gillespie hoàn toàn bất lực ở vòng chạy cuối cùng.
Dù hết sức nỗ lực, VĐV này vẫn không thể giúp tuyển Mỹ thành công. Tuyển Mỹ chỉ về đích ở vị trí thứ 6 với thành tích 38.10 ở đợt thi vòng loại thứ 2. Họ đã phải nằm ngoài tốp 8.
Nỗi thất vọng của Cravon Gillespie
Huyền thoại Carl Lewis (từng giành 9 HCV Olympic) giận dữ chỉ trích: “Tuyển Mỹ đã thi đấu sai bét hoàn toàn ở nội dung 4x100m tiếp sức nam. Hệ thống chuyền gậy sai, các VĐV chạy sai chân và rõ ràng chẳng có ai là lãnh đạo đường chạy".
"Hoàn toàn là bối rối, thất bại, và không thể chấp nhận được với màn trình diễn này. Đây vốn là một đội chạy thuộc cấp độ đội tuyển quốc gia mà tôi e rằng còn tệ hơn cả đám nhóc AAU mà tôi vừa mới thấy!”.