Trở về quê nhà Manila (Philippines) được 3 hôm, song nữ phóng viên Kristel Villar (nhật báo Manila Bulletin) khi trò chuyện qua tin nhắn với chúng tôi vẫn mang trong mình sự bồi hồi, lưu luyến sau lần đầu đặt chân đến Campuchia.
Đúng vậy, Campuchia đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế trong kỳ SEA Games đầu tiên mà họ đứng ra đăng cai. Một kỳ SEA Games 32 đầy thân thiện và hiếu khách, đúng với khẩu hiệu của Đại hội: Thể thao sống trong hòa bình. Trong ngày chia tay, chúng tôi đã chứng kiến không ít tình nguyện viên nước mắt đã rơi, bịn rịn nói lời chia tay các đoàn thể thao. Dù thời gian “ghé thăm” Campuchia rất ngắn, song đã để lại cho họ rất nhiều tình cảm khó phai cùng lời hẹn sớm tái ngộ. “Nếu lấy thang điểm 10, tôi chấm công tác tổ chức của nước chủ nhà Campuchia đến 9 điểm”, phóng viên Kristel Villar chia sẻ.
Không riêng cây bút Kristel Villar, rất nhiều quan chức thể thao, huấn luyện viên, vận động viên, truyền thông quốc tế và người hâm mộ có cái nhìn đầy tích cực về công tác tổ chức của Campuchia, lẫn thành tích vượt bậc của đoàn thể thao nước chủ nhà (81 HCV - 74 HCB - 127 HCĐ, đứng thứ 4 toàn đoàn), để tạo ra những ngày hội thể thao sôi động và mang đậm ý nghĩa về tinh thần thể thao cao thượng, đoàn kết của “mái nhà” ASEAN.
“Campuchia - đất nước xinh đẹp” - là dòng trạng thái của HLV Trương Minh Sang (đội tuyển Thể dục Dụng cụ Việt Nam) sau hành trình đáng nhớ ở xứ chùa Tháp. “Nếu có dịp, hãy đến đây du lịch và tham quan”, nhà cầm quân này còn giới thiệu một người bạn ghé thăm xứ Angkor.
Người dân Campuchia đầy háo hức cho kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức trên sân nhà. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG |
Trong tiêu đề bài viết “10 điểm nhấn ở SEA Games 32”, tờ The Straits Times (Singapore) có đoạn: “Các tình nguyện viên Campuchia, với số lượng khoảng 5.000 người, thật khó để bỏ lỡ trong chiếc áo màu tím của họ. Chính sự ấm áp và lòng hiếu khách của đội ngũ này đã cùng nhau cố gắng để kỳ SEA Games đầu tiên tổ chức ở Campuchia diễn ra suôn sẻ. Cảnh tượng hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn xung quanh, luyện tập cho lễ bế mạc trong cái nóng như thiêu như đốt đặc biệt gây xúc động. Arkoun chraen (tiếng Khmer, tạm dịch: Cảm ơn rất nhiều)”.
Còn nhật báo New Straits Times (Malaysia) ấn tượng bởi sự cuồng nhiệt của người hâm mộ Campuchia khi đội mưa đến xem lễ bế mạc. “Cơn mưa lớn đổ xuống sân vận động Techo Morodok vài giờ trước khi buổi lễ bắt đầu đã không làm hỏng đại tiệc chia tay của nước chủ nhà, với màn trình diễn đầy ấn tượng đến từ ánh sáng, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, kết hợp pháo hoa và quan trọng hơn là văn hóa Campuchia được dành tặng cho cộng đồng quốc tế. Người hâm mộ Campuchia mang tinh thần hứng khởi và sự nhiệt tình đã cùng nhau tạo ra bữa tiệc chia tay sôi động, bất chấp bị mưa làm ướt trên đường đến đây”, tờ này viết.
16.000 du khách quốc tế đến Campuchia mỗi ngày
Theo ông Thong Khon, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Tổ chức Quốc gia SEA Games 32 cho biết, sự kiện đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới truyền thông trong nước lẫn quốc tế. Điều này đã giúp Đại hội càng trở nên nổi tiếng hơn, góp phần quảng bá đất nước Campuchia. Theo ông Thong Khon, trong thời gian tổ chức sự kiện, mỗi ngày quốc gia đón khoảng 16.000 du khách quốc tế.