Trung tâm HLTTQG Hà Nội: Chỉ cầm cự được đến tháng 9

°Giải điền kinh Grand Prix châu ÁTrương Thanh Hằng lần thứ 2 giành HCB
Trung tâm HLTTQG Hà Nội: Chỉ cầm cự được đến tháng 9

Với khoảng 800 VĐV của 45 đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ đang tập huấn tại nhiều địa điểm ở miền Bắc, Trung tâm HLTTQG Hà Nội chỉ có thể cầm cự đến tháng 9 tới là… hết tiền!

  • Người tăng,kinh phí không tăng

Đầu năm 2009, các VĐV tập huấn đội tuyển quốc gia hớn hở khi được tăng chế độ dinh dưỡng gấp đôi từ 60.000 lên 120.000 đồng/ngày, các VĐV trẻ cũng từ 45.000 lên 90.000 đồng/ngày. Thế nhưng, quyết định này của ngành thể thao chỉ được Bộ Tài chính sự chấp thuận về mặt thủ tục, tức là đồng ý cho VĐV được hưởng chế độ ăn cao nhưng không bổ sung ngân sách. Bởi thế, vẫn với số tiền được cấp như mọi năm mà tiền chi cho VĐV tăng gấp đôi. Không những thế, với hàng loạt nhiệm vụ lớn như SEA Games, Asian Indoor Games 3 khiến lực lượng VĐV được gọi tập trung lên tới 600 người, ngoài ra còn khoảng 200 VĐV trẻ các tuyến.

Trung tâm HLTTQG Hà Nội: Chỉ cầm cự được đến tháng 9 ảnh 1
Thiếu kinh phí tập trung, các bộ môn phải rà soát lực lượng VĐV để cắt giảm quân số.

Ông Phạm Ngọc Viễn - Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội cho biết: “Trung tâm quản lý toàn bộ các VĐV tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngoài 2 địa điểm chính là khu A và B tại Nhổn, còn nhiều địa điểm khác như Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội (Mỹ Đình và Trịnh Hoài Đức), CLB đua thuyền Tây Hồ, Trường Đại học TDTT Từ Sơn. Với số VĐV khoảng 800 em như hiện nay, nếu không được bổ sung kinh phí hoặc giảm bớt quân số thì đến giữa tháng 9 tới là hết tiền”.

Vấn đề kinh phí tập trung của các đội tuyển quốc gia đã được gióng lên từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra. Trước mắt, tất cả các bộ môn đều đang phải rà soát lực lượng cả VĐV đội tuyển lẫn VĐV trẻ để cắt giảm quân số. Một số đội tuyển như điền kinh đang dự kiến phải giải tán cả đội trẻ sau khi dự giải vô địch Đông Nam Á tại TPHCM vào tháng 6 tới để tập trung kinh phí cho VĐV đội tuyển quốc gia.

Ở môn bóng bàn, riêng đội tuyển trẻ đang tập huấn ở Từ Sơn sẽ phải loại 5 VĐV cho dù có những em trình độ rất khá. Bà Chu Hồng Hạnh - HLV đội bóng bàn Bộ Công an hết sức lo lắng: “Kinh phí của chúng tôi rất hạn hẹp, việc nâng cao trình độ cho VĐV phụ thuộc rất nhiều vào đội tuyển trẻ quốc gia. Như VĐV Nguyễn Việt Linh vừa qua đã có bước tiến bộ rất nhanh, loại 3/4 VĐV đội tuyển quốc gia trong đó có cả hai tay vợt hàng đầu là Mai Hoàng Mỹ Trang và Mai Xuân Hằng. Nếu thiếu kinh phí mà phải trả về thì chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp nhưng chắc cũng không thể lâu”.

  • Vẫn phải sống phụ thuộc

Nếu buộc phải cắt giảm tối đa VĐV trẻ thì quả là rất lãng phí, bởi Tổng cục TDTT đã ký hợp đồng thuê các chuyên gia nước ngoài giỏi ở môn taekwondo, điền kinh, bóng bàn, thể dục đến hết năm 2009. Vừa huấn luyện các đội tuyển quốc gia, các chuyên gia này cũng chăm lo cho cả VĐV trẻ. Bị trả về địa phương giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến chuyện học văn hóa vốn đang ổn định của họ.

Một giải pháp cũng đang được tính đến là đề nghị Bộ Tài chính bổ sung ngân sách, song có được hay không ngành thể thao không thể tự quyết. Như năm ngoái, ngành cũng từng đề xuất đã không được đáp ứng. Tuy nhiên, năm nay là năm có SEA Games nên có thể Tổng cục TDTT hy vọng sẽ được “bơm” thêm tiền.

Việc phối hợp với các địa phương để hỗ trợ đào tạo VĐV cũng đã được triển khai từ mấy năm nay, rất có thể sẽ phải tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để không phải cắt giảm số lượng.
Mỗi năm, kinh phí dành cho Tổng cục TDTT (Ủy ban TDTT trước đây) thì tới 70% chi cho tập huấn và chuyện thi đấu của VĐV. Trước những khó khăn hiện tại, Tổng cục TDTT đang phải nỗ lực triển khai mọi biện pháp từ tinh giản VĐV, xin cấp thêm kinh phí, đề nghị hỗ trợ từ địa phương chủ quản… Tiếc rằng, bài toán ngân sách cho VĐV vẫn chưa tìm ra lời giải.

Thanh Phong

 °Giải điền kinh Grand Prix châu Á
Trương Thanh Hằng lần thứ 2 giành HCB

Chặng đua thứ 2 Giải điền kinh Grand Prix châu Á nội dung 800m nữ được tổ chức vào 21 giờ tối 27-5, tuy nhiên mãi đến sáng qua, 28-5, BTC mới cập nhật kết quả thi đấu. Việc liên lạc với các thành viên đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng không thể thực hiện. Theo thông tin do Liên đoàn điền kinh châu Á cung cấp, VĐV cự ly trung bình hàng đầu của Việt Nam là Trương Thanh Hằng (Ninh Bình) lần thứ 2 giành HCB tại Kunshan.

Thành tích của Hằng là 2’3"28 vẫn kém nhà vô địch người Kazakhstan Matsko Margarita (3’2"83). Như vậy, so với chặng đấu đầu tiên (thành tích 2’4"15), Hằng đã có tiến bộ vượt cả thành tích HCV ở chặng I (2’3"38). VĐV cự ly ngắn Nguyễn Văn Huynh (Quân đội) thi đấu 100m cũng đã rút ngắn được 17% giây, nhưng với thành tích 10 giây 82, vẫn xếp hạng 9/9.

Ngày 30-5 tới, chặng đua cuối cùng của giải sẽ được tổ chức tại Hong Kong, Trung Quốc.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục