Lý do, theo lời một quan chức của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, chỉ đơn giản là “ông Irisawa đã gửi thư xin lỗi vì phản ứng không hợp lý”. Ông này được nhận lại, cùng lúc với sự kiện HLV Nguyễn Quốc Vũ xin rút lui sau khi VTV Cup 2017 kết thúc.
Ông Irisawa
Chuyện này có thể làm hài lòng một vài người, nhưng đối với giới hành nghề bóng chuyền tại Việt Nam, đấy là điều đáng nực cười. Một vị chuyên gia nước ngoài từng tự tiện bỏ về nước mà không thông báo với bất kỳ ai có trách nhiệm của bóng chuyền Việt Nam thì cần phải đặt ra câu hỏi: “Liệu ông này có bỏ việc tiếp lần nữa và khiến bóng chuyền nữ dang dở kế hoạch?”.
Trước đây vì gặp rắc rối về thủ tục hợp đồng và thỏa thuận tiền lương với Tổng cục TDTT nên ông Irisawa đã bỏ ngang. Nhưng thay vì giải quyết theo cách ôn hòa, vị này chọn cách làm rối tung vấn đề, tự ý bỏ về nước và đẩy đội tuyển quốc gia vào tình cảnh phải gấp gáp tìm người thế vai. Vì thế, uy tín của ông này đã giảm sút trong mắt của nhiều người, đặc biệt là đối với các thành viên đội tuyển quốc gia. Đây sẽ là tiền lệ xấu và ảnh hưởng không nhỏ đến bóng chuyền nước nhà.
Nhưng chẳng hiểu sao Tổng cục TDTT lại chào đón chuyên gia người Nhật Bản trở lại, trong khi nhiều người thuộc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không hẳn đã đồng ý. Nên nhớ, ông Irisawa khi được mời sang đây, công việc chính là giúp đỡ bóng chuyền nữ phát triển, bắt đầu từ đội tuyển trẻ chứ không phải tập trung cho đội tuyển quốc gia như nhiều người đang nghĩ. Đấy mới là kế hoạch đúng đắn và mang tính lâu dài, thậm chí phần nào đó giúp bóng chuyền nữ cải thiện hệ thống đào tạo VĐV, tăng tính chuyên nghiệp trong tập luyện và sinh hoạt… Chứ không phải mọi việc, mọi quyền quyết định ở các đội tuyển đều giao hết cho chuyên gia, để đến khi đụng chuyện thì chính những người làm bóng chuyền trong nước trở tay không kịp. Trên thực tế, vai trò của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trong việc quyết định mời chuyên gia chuẩn bị cho SEA Games 29 là khá mờ nhạt, bởi nó thuộc về Tổng cục TDTT - nơi sẽ ký hợp đồng và trả lương cho chuyên gia.
Liên đoàn bóng chuyền có vẻ đang bất ổn, như đang bị chia rẽ và bị chi phối bởi một số cá nhân thuộc nhiệm kỳ cũ. Nhìn từ bề ngoài, một trong những liên đoàn thể thao hàng đầu của Việt Nam trông khá yên bình, nhưng kỳ thực, nội bộ đang rất bất ổn và vẫn xảy ra tình trạng quyền quyết định sự vụ không dành cho tập thể mà thuộc về một cá nhân muốn che phủ cả làng bóng chuyền trong nước, dù khả năng có hạn. Người trong giới mới chua chát nói với nhau, rằng “bóng chuyền Việt Nam phát triển kiểu gì khi người này cố gắng đạp ga còn người khác thì cố tình đạp thắng?”.