Bộ VH-TT-DL khẳng định: Chưa nhận được ý kiến về việc không tổ chức Asiad 18

Trước thông tin về việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra ý kiến nên cân nhắc rút lui không tổ chức Asiad 18 (diễn ra năm 2019), ngày 31-3, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT-DL, khẳng định: Bộ VH-TT-DL chưa nhận được ý kiến chính thức nào của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc này. * Phóng viên:

Trước thông tin về việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra ý kiến nên cân nhắc rút lui không tổ chức Asiad 18 (diễn ra năm 2019), ngày 31-3, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT-DL, khẳng định: Bộ VH-TT-DL chưa nhận được ý kiến chính thức nào của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc này.

* Phóng viên:
Có một số thông tin cho rằng có sự không trung thực khi đưa ra con số 80% cơ sở, thiết chế thể thao đáp ứng được yêu cầu thi đấu của Asiad 18 trong khi thực tế số lượng các công trình thể dục thể thao đủ tiêu chuẩn, kích thước để thi đấu theo quy định quốc tế rất ít, chiếm tỉ lệ rất thấp so với tổng số công trình thể thao chỉ có 2%. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

* Ông PHAN ĐÌNH TÂN: Trong quá trình xin đăng cai tổ chức sự kiện Asiad 18, ngay cả Hội đồng Olympic châu Á (OCA) cũng đã kiểm tra khảo sát, thẩm định và thống nhất rằng các cơ sở vật chất kỹ thuật của Việt Nam đã đáp ứng 80% để chuẩn bị thi đấu. Từ 80% mà giảm xuống 2% là sự cách biệt ghê gớm, không thể có chuyện đó được và tôi hoàn toàn không thể hiểu ai có thể suy diễn một cách kỳ lạ như vậy, vì chuyên gia OCA có chuyên môn nên không phải chuyện mình cứ báo cáo vống lên mà người ta tin.

* Nhiều ý kiến lo ngại về con số 150 triệu USD không thể đủ để tổ chức sự kiện này khi chúng ta vẫn còn thiếu một số thiết chế thể thao quan trọng?

* Quan điểm của chúng ta ngay từ đầu là tổ chức sự kiện này dựa trên các cơ sở vật chất đã có ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình... Chủ yếu là nâng cấp về âm thanh, ánh sáng, sơn sửa lại. Tuyệt đối không xây dựng mới. Hiện nay, chúng ta đang thiếu nhà thi đấu đa năng (dự kiến xây dựng khoảng 900 tỷ đồng). Đây là hạng mục nằm trong 3 thiết chế thể thao bắt buộc của các tỉnh/thành (gồm: sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi). Vì thế nếu chúng ta xây dựng được thì đó cũng là dành cho tương lai. Sau Asiad phải đưa vào khai thác cho hiệu quả. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách eo hẹp thì có thể không xây dựng mà chuyển sang việc cải tạo, nâng cấp các nhà thi đấu nhỏ để rải các phân môn ra.

Sân đua xe đạp lòng chảo buộc phải làm vì đua xe đạp lòng chảo là một trong những môn thi đấu bắt buộc. Nhà đầu tư Hàn Quốc đã có cam kết xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo. Thực chất việc xây dựng sân đua này cũng có kèm theo điều kiện được khai thác cá cược xe đạp tại đây. Họ đầu tư vào sân đua này là khá lớn vì thế họ đề xuất được khai thác. Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm rà soát lại tất cả các hạng mục, các phương án trượt giá và khẳng định với các đơn vị khác là chỉ có giới hạn 150 triệu USD đã cam kết.

* Còn về vấn đề đào tạo vận động viên, chúng ta đã có chuẩn bị gì cho sự kiện này chưa, thưa ông?

* Chúng ta đã có đề án đào tạo vận động viên và đề án này không chỉ phụ thuộc vào Asiad. Việc đào tạo vận động viên là đào tạo lâu dài, chiều sâu. Thể thao không đơn thuần là giải trí mà còn tăng cường thể lực, thể chất, bản lĩnh của người Việt Nam. Đề án này độc lập với đề án Asiad. Mình không tổ chức Asiad vẫn phải đào tạo, vẫn phải tổ chức các hoạt động thể thao. Từ nay đến 2019, hàng năm mình vẫn có ngân sách đầu tư cho thể thao, nếu lồng ghép vào chúng ta còn có thể tiết kiệm kinh phí. Muốn thể thao có thành tích cao thì phải đầu tư. Asiad này cũng là một bước đầu tư cho thể thao Việt Nam sau này tham gia ở các cuộc cọ xát lớn hơn, tầm cỡ thế giới.

* Đặt giả thiết về việc chúng ta sẽ rút quyền đăng cai. Quan điểm của Bộ VH-TT-DL về việc này như thế nào?

* Chúng ta đã giành được quyền đăng cai rồi nhưng giờ lại rút là câu chuyện suy diễn của một số người vì không phải đơn giản mà đăng cai được. Theo quy định của OCA chỉ rút khi có chiến tranh, bạo loạn hoặc các trường hợp bất khả kháng khác như động đất, sóng thần… Đó là điều kiện khách quan. Đối với mỗi vấn đề lớn, chúng ta luôn cân nhắc và luôn đặt ra nhiều phương án khác nhau cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chưa thấy cuộc họp nào Phó Thủ tướng phát biểu rằng dừng việc này cả. Tôi không hiểu thông tin từ đâu. Bộ chưa nhận được ý kiến nào về vấn đề này.

Chúng ta đang hướng đến hình ảnh một đất nước thanh bình, có thể chế ổn định, có quyền đăng cai sự kiện thể thao rồi. Đây không chỉ đơn thuần là sự kiện thể thao mà là hình ảnh của đất nước, thể diện, uy tín, vị thế của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Còn quyết định có tiếp tục đăng cai nữa hay xin rút, quyền thuộc về Chính phủ.

VĨNH XUÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục