Xe đạp Việt Nam: Lao xao phong trào ngoại binh

Ở môn bóng đá rồi đến bóng chuyền, người ta đã quá quen với việc các ngoại binh xuất hiện trên sân thì môn xe đạp, ngày 27-2-2010, Liên đoàn Môtô Xe đạp thể thao Việt Nam vừa ra quy chế tạm thời về việc sử dụng ngoại binh. Mọi chuyện trở nên thực tiễn hơn khi nhiều đội đua đang tính đường thuê tay đua ngoại về tham dự cúp truyền hình TPHCM sẽ diễn ra từ ngày 10-4 này.
Xe đạp Việt Nam: Lao xao phong trào ngoại binh

Ở môn bóng đá rồi đến bóng chuyền, người ta đã quá quen với việc các ngoại binh xuất hiện trên sân thì môn xe đạp, ngày 27-2-2010, Liên đoàn Môtô Xe đạp thể thao Việt Nam vừa ra quy chế tạm thời về việc sử dụng ngoại binh. Mọi chuyện trở nên thực tiễn hơn khi nhiều đội đua đang tính đường thuê tay đua ngoại về tham dự cúp truyền hình TPHCM sẽ diễn ra từ ngày 10-4 này.

Lợi từ ngoại binh 

Cũng như các môn thể thao khác, ngoại binh luôn mang lại sự thích thú cho khán giả. Đã qua cái thời người ta tò mò xem người nước ngoài chơi thể thao ở ta như thế nào, điều khiến cho ngoại binh tạo nên được sức hút chính là ở khía cạnh chuyên môn.

Ở môn bóng đá, chẳng phải chính ngoại binh đã giúp các cầu thủ của chúng ta loại bỏ được tâm lý “sợ Tây”, và cũng chính những ngoại binh đã giúp các cầu thủ nâng cao dần trình độ của mình trong môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Tương tự ở môn bóng chuyền, những thay đổi về mặt chuyên môn đã đến khi các đội bóng được quyền thuê ngoại binh để làm mới mình. Người ta thấy những cái tên như Bộ Tư lệnh Thông tin hay Thể Công không còn làm “trùm” nữa, sự cạnh tranh lên cao hơn nhiều khi có những cái tên khác như Bình Điền Long An, Tràng An Ninh Bình và mới đây là Truyền hình Vĩnh Long.

Ở môn xe đạp, sự việc diễn ra cũng theo chiều hướng tương tự. Với văn bản trả lời ngay trước khi cuộc đua cúp truyền hình Bình Dương diễn ra, đội ADC Truyền hình Vĩnh Long đã kịp bổ sung 1 tay đua ngoại vào đội hình.

Tất nhiên, tay đua Spijkerboer Wim không quá xuất sắc, nhưng rõ ràng với sự già dặn kinh nghiệm và nhỉnh hơn các cua rơ vốn chỉ chơi ở mức tầm tầm của Vĩnh Long thì sự bổ sung của anh đã khiến mọi thứ thay đổi hẳn. Cùng với Hồ Văn Phúc và Bùi Minh Thụy, S.Wim đã giúp cho ADC TH Vĩnh Long lần đầu tiên có thứ hạng đồng đội, dẫu chỉ là hạng 3, nhưng rõ ràng đây là bước tiến đáng nể cho một đội đua vốn trước giờ chỉ lấy mục tiêu “đi đông về đủ” làm phương châm.

Những điều có lợi khi dùng ngoại binh đã quá rõ, các HLV đều thừa nhận rằng, có ngoại binh khiến đội đua mạnh hơn và chuyên môn cũng được nâng cao hơn. Không chỉ vậy, các tay đua trong nước được cọ xát nhiều hơn, thay vì trước đây quanh đi quẩn lại ở mỗi cuộc đua chỉ có vài cái tên đến từ An Giang, Đồng Tháp hay TPHCM.

Nhưng bao nhiêu là vừa? 

Việc lần đầu tiên một CLB trong nước được quyền dùng ngoại binh, và những thành công của Vĩnh Long đã tạo nên cơn sốt về việc thuê mướn ngoại binh trong làng xe đạp Việt Nam. Mọi thứ càng sốt hơn khi mà cúp truyền hình TPHCM - cuộc đua được coi là lớn nhất trong năm của làng xe đạp đã cận kề.

Sự có mặt các cua rơ ngoại sẽ khiến những giải đấu trong nước hấp dẫn hơn, nhưng... Ảnh: Hoàng Hùng

Sự có mặt các cua rơ ngoại sẽ khiến những giải đấu trong nước hấp dẫn hơn, nhưng... Ảnh: Hoàng Hùng

Hiện có thông tin, Bảo vệ thực vật An Giang cùng ADC Truyền hình Vĩnh Long xúc tiến thuê 2 cua rơ có chất lượng của Nhật Bản về bổ sung cho đội hình. Trước việc này, HLV của nhiều đội cũng như giới chuyên môn đã có những phản ứng tức thời. Theo họ, quy chế tạm thời của Liên đoàn Môtô Xe đạp thể thao đã không sát với thực tế và có thể biến các cuộc đua thành sân chơi của các tay đua ngoại. Cái lý của họ đưa ra là khi bóng đá ra sân ở V-League chỉ với 3 ngoại binh, còn giải hạng Nhất chỉ với 2, trong khi đội hình có đến 11 người.

Tương tự như thế, môn bóng chuyền cũng chỉ được sử dụng 1 ngoại binh trên sân trong đội hình 6 người thì ở môn xe đạp việc cho phép mỗi đội đua dùng đến 2 ngoại binh là quá nhiều. Nó bất hợp lý ở chỗ, số lượng cua rơ ở mỗi cuộc đua mỗi khác. Cúp truyền hình TPHCM, một đội gồm 6 tay đua, nhưng ở Cúp truyền hình Bình Dương chỉ có 5, và ở cúp đồng bằng sông Cửu Long mỗi đội chỉ có 4. Chính vì thế, nếu để 2 tay đua ngoại tham dự ở một đội hình thì ngoại binh chiếm đến 50% số VĐV của một đội.

Mọi chuyện càng trở nên rối hơn khi theo luật UCI, để tính hạng đồng đội người ta chỉ tính 3 VĐV có thành tích cao nhất của một đội. Như thế, việc chăm lo về chuyên môn cho các tay đua nội sẽ trở nên lỏng lẻo, bởi chỉ cần 2 tay đua ngoại giỏi cùng 1 tay đua nội tốt thì các CLB thừa sức tranh chấp giải đồng đội ở các cuộc đua.

HLV đội Bảo vệ thực vật Sài Gòn Đỗ Thành Đạt cho biết: “Tôi biết có sự bổ sung ngoại binh là xu thế chung và nó cũng giúp chất lượng cuộc đua nâng cao hơn, nhưng làm thế nào để vừa nâng cao chất lượng và cũng vừa động viên các CLB chăm lo cho các tay đua nội, đó mới là vấn đề sống còn”.

Hiện việc dùng bao nhiêu ngoại binh và ngoại binh phải có những ràng buộc thế nào mới được thi đấu, thay vì cứ đăng ký để xuất hiện đúng vào mỗi giải đua rồi sau đó “mất tích” đang là vấn đề nóng của giới xe đạp thể thao. Trước mắt, người ta đang chờ xem BTC cuộc đua cúp truyền hình TPHCM quyết định thế nào ở giải đua của họ, bởi việc cho phép bao nhiêu ngoại binh tham dự cuộc đua ở mỗi đội sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự định hướng và phát triển, nếu không nói quá là đến sự tồn vong của một CLB.

Một lần nữa, Liên đoàn Môtô Xe đạp thể thao Việt Nam lại tỏ ra chậm chân với thời cuộc, cũng như rối với những bước thay đổi khi không có sự thăm dò từ các CLB trước khi ban hành các quyết định.

TẤT ĐẠT

Tin cùng chuyên mục