Xa lạ bảo hiểm thể thao

Bảo hiểm được ví như trò cá cược nhưng hơi ngược lại, với một bên là “nhà cái”, tức người tham gia bảo hiểm và người đặt cược, tức công ty bảo hiểm. Theo tư liệu, bảo hiểm ra đời từ lâu lắm rồi, tại Trung Quốc và vùng đất Babylon (Iraq ngày nay), từ 3.000 đến 2.000 năm trước Công nguyên. Bảo hiểm thể thao là “mặt hàng kinh doanh” sinh sau, đẻ muộn nhưng cũng có đến hơn 200 năm tuổi.

Bảo hiểm được ví như trò cá cược nhưng hơi ngược lại, với một bên là “nhà cái”, tức người tham gia bảo hiểm và người đặt cược, tức công ty bảo hiểm. Theo tư liệu, bảo hiểm ra đời từ lâu lắm rồi, tại Trung Quốc và vùng đất Babylon (Iraq ngày nay), từ 3.000 đến 2.000 năm trước Công nguyên. Bảo hiểm thể thao là “mặt hàng kinh doanh” sinh sau, đẻ muộn nhưng cũng có đến hơn 200 năm tuổi.

Còn ở Việt Nam thì sao? Loại hình kinh doanh bảo hiểm chỉ xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây và bảo hiểm thể thao còn mới mẻ rất nhiều, với nhiều mẩu chuyện hài hước đến không ngờ.

Năm 1993, người viết tham gia đoàn đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình lần 5, đua xuyên Việt từ Hà Nội về TPHCM. Có thể nói, ban tổ chức giải rất chu đáo trong bảo vệ an toàn cho các tay đua. Thế nhưng, đường đua từ Bắc vào Nam có lắm trắc trở, quá nhiều tai nạn, nhiều đến nỗi khi về tới Đà Nẵng, nhân viên bảo hiểm đi theo đoàn đua chỉ kịp nói với nhà báo: “Tôi về TPHCM ngay bây giờ để lấy thêm tiền, nếu không thì tiêu”.

Anh ta bay về TPHCM báo cáo với công ty bảo hiểm của mình để xin tạm ứng thêm tiền chi trả cho các vận động viên bị tai nạn (không nghiêm trọng, phần lớn đều trở lại đường đua), vì cuộc thi còn hơn 1/2 chặng đường. Vài ngày sau, anh ta đón đoàn đua tại Nha Trang với cái cặp da đầy tiền và khuôn mặt rạng rỡ.

Thực tế, bảo hiểm thể thao tại Việt Nam thường chưa được quan tâm. Đa số các giải đấu, ban tổ chức “quên” mất chuyện đóng tiền bảo hiểm cho vận động viên tham dự, vốn đổi lấy việc được chi trả các chi phí thuốc men khi có tai nạn trong thi đấu. Đối với các cầu thủ bóng đá đang nhận tiền tỷ lót tay, mức lương vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng cũng không chịu lo xa, bảo hiểm cho đôi chân tiền tỷ của mình.

Các cuộc đua xe đạp có mặt công ty bảo hiểm nhưng không phải do các ban tổ chức tự nguyện đóng tiền bảo hiểm cho vận động viên hoặc do các đội tham dự tự trang trải, mà do chính công ty bảo hiểm tài trợ. Đây là kiểu hợp tác có qua có lại: Phía bảo hiểm được quảng cáo trên đường đua, trên sóng đài truyền hình, báo chí; đổi lại ban tổ chức cuộc đua không cần trả chi phí thuốc men, tiền bảo hiểm khi có tai nạn xảy ra đối với các thành viên trong đoàn đua, vì đã có công ty bảo hiểm lo.

Cặp chân của siêu sao Johan Cruyff hồi thập niên 70 được bảo hiểm 1 triệu USD tức nếu chẳng may cầu thủ này gãy chân thì công ty bảo hiểm sẽ trả cho anh đúng số tiền ấy. Tất nhiên, hàng tháng, danh thủ này phải chi trả một khoản tiền “nho nhỏ” để bảo hiểm “cặp chân vàng” của mình. Số tiền bảo hiểm của các ngôi sao về sau này còn cao hơn gấp nhiều lần. Tất cả bắt nguồn từ ý thức của những người hoạt động thể thao chuyên nghiệp.

Tại Việt Nam, vấn đề quan trọng này bị xem nhẹ, coi thường, không được quan tâm. Ngay cả ở một số đội bóng tự xem là chuyên nghiệp nhưng chuyện bảo hiểm cho cầu thủ cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Đã đến lúc những người làm công tác tổ chức hoạt động thể thao, các vận động viên, huấn luyện viên thể thao phải ý thức được vấn đề bảo hiểm thể thao là rất quan trọng, không thể xem thường. 

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục