Vĩnh biệt “thầy” Paul

Thế là Paul đã qua đời. Chú bạch tuộc nổi tiếng nhất trong dòng họ của mình đã chết. Động vật thông thái nhất thế giới đã giã từ trần thế. Trong khi các nhà cái như William Hill thở phào vì tống tiễn được một đối thủ “ba gai”, các fan bóng đá cảm thấy đau buồn như vừa chia tay một người bạn thân thiết.
Vĩnh biệt “thầy” Paul

Thế là Paul đã qua đời. Chú bạch tuộc nổi tiếng nhất trong dòng họ của mình đã chết. Động vật thông thái nhất thế giới đã giã từ trần thế. Trong khi các nhà cái như William Hill thở phào vì tống tiễn được một đối thủ “ba gai”, các fan bóng đá cảm thấy đau buồn như vừa chia tay một người bạn thân thiết.

1. Có lẽ chưa có “nhà tiên tri” nào làm chấn động làng bóng thế giới đến thế. Jiang Xiao, một nữ đạo diễn người Trung Quốc, tác giả bộ phim “Ai giết bạch tuộc tiên tri?” sắp sửa trình chiếu còn nêu ra nghi vấn về cái chết của Paul.

Jiang Xiao cho rằng bạch tuộc Paul đã chết trước trận chung kết World Cup 2010 giữa Hà Lan và Tây Ban Nha, rằng chú bạch tuộc xuất hiện trong bể kính ở Viện Hải dương học Oberhausen (Đức) là Paul giả mạo, là một chú bạch tuộc khác có “ngoại hình” giống Paul.

Nghe cứ như không phải người ta nói về một chú bạch tuộc mà đang nói về một yếu nhân, một vĩ nhân lịch sử. Mà đúng thế thật. Người ta tôn vinh Paul. Người ta đòi giết Paul. Người ta cử những đội đặc nhiệm bảo vệ Paul. Người ta sáng tác ca khúc về Paul. Người ta long trọng đưa Paul vào

Từ điển mở Wikipedia với dòng mở đầu y như trong Từ điển Danh nhân “Ra đời tháng 1 - 2008 tại Công viên Hải dương học ở Weymouth, một thị trấn nhỏ ở Dorset, nước Anh...”. Khi Paul chết, người ta treo bức ảnh Paul phóng lớn với dải băng đen vắt ngang.

Theo Viện Hải dương học Oberhausen, thi hài của Paul sẽ được hỏa táng. Sẽ có một khu tưởng niệm đặt bình đựng tro, với ảnh chân dung và đoạn phim chiếu lại sinh hoạt của Paul lúc sinh thời, có cả sổ tang để “fan” của Paul viết cảm tưởng, chia buồn. Chậc, nghe cứ như là người ta đang nói về Paul McCartney của ban nhạc lừng danh The Beatles chứ không phải Paul 8 chân của chúng ta.

Nhiều người buồn vì “thầy” Paul, đối thủ của các nhà cái như William Hill, đã ra đi. Ảnh: T.L.

Nhiều người buồn vì “thầy” Paul, đối thủ của các nhà cái như William Hill, đã ra đi. Ảnh: T.L.

2. Nhưng Paul rất xứng đáng với những nghi thức trọng thể đó. Trong cuộc đời hành nghề “dự đoán bóng đá” của mình, Paul đã đoán tất cả 14 trận: 6 trận ở giải Euro 2008 và 8 trận ở giải World Cup 2010. Trong 6 trận đấu của đội tuyển Đức tại Euro 2008, Paul đã đoán đúng 4 trận, chỉ sai trận Đức gặp Croatia ở vòng bảng và trận chung kết gặp Tây Ban Nha.

Ở World Cup 2010, Paul đoán đúng hoàn toàn cả 8 trận: 7 trận của đội tuyển Đức và trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan. Tỷ lệ đoán chính xác như thế chưa có nhà tiên tri nào hay phương pháp dự đoán khoa học nào đạt được. Vua bóng đá Pele, người nổi tiếng... đoán đâu trật đó, chắc phải ôm cặp theo học “thầy” Paul dài dài.

3. Tất nhiên giới truyền thông không đời nào chịu bỏ qua tài dự đoán kết quả bóng đá siêu việt của Paul. Paul trở thành miếng mồi ngon cho báo chí lá cải đã đành, ngay cả những cơ quan truyền thông uy tín như Guardian, hãng BBC (Anh), Washington Post (Mỹ), Le Monde, hãng AFP (Pháp), kể cả trang web chính thức của FIFA cũng liên tục đưa tin, viết bài về Paul. Và đến khi các màn dự đoán của Paul trước các trận đấu quan trọng được trực tiếp truyền hình tại nhiều quốc gia thì Paul đã trở thành một nhân vật toàn cầu.

4. Nhiều người bỏ công tìm cách lý giải “hiện tượng Paul”. Rằng Paul thông thái thật sự vì Paul có 3 trái tim, 8 cánh tay và 9 bộ não hay đây chỉ là trò nghịch ngợm được dựng lên bởi các chuyên gia ở Viện Hải dương học Oberhausen. Các nhà báo, các nhà sinh học cũng vào cuộc tranh cãi ì xèo, rốt cuộc chẳng đi đến một kết luận nào.

Theo người viết bài này, đó là việc không cần thiết. Đóng góp của Paul là đóng góp cho bóng đá chứ không phải đóng góp cho... khoa học. Không giống với các môn thể thao khác, bóng đá hấp dẫn không chỉ vì những phô diễn chuyên môn trên sân cỏ. Nó quyến rũ còn vì vô số những tình tiết phát sinh chung quanh nó.

Người hâm mộ đọc báo thể thao, không chỉ đọc tường thuật, bình luận về trận đấu, mà còn đọc tin cầu thủ nào té gãy tay, cầu thủ nào bị treo giò vì xài ma túy, cầu thủ nào vừa bị bắt vì lái xe quá tốc độ, bị vợ bỏ vì quan hệ với gái mại dâm, huấn luyện viên nào cấm cầu thủ mang vợ đi World Cup, huấn luyện viên nào sút giày bay trúng mặt cầu thủ nào, trọng tài nào từ giã nghề cầm còi vì bị các cổ động viên quá khích đòi “xin tí huyết”.

Người hâm mộ muốn biết chiếc kèn vuvuzela điếc tai kia sẽ bị FIFA xử như thế nào, hai anh em nhà Boeteng chơi cho 2 đội tuyển quốc gia khác nhau khi đối đầu sẽ “xử” với nhau ra làm sao (mà anh Boeteng này vừa mới đốn gãy giò đồng đội của anh Boeteng kia)...

Tất cả là những tin tức đời thường, y như tin tức thượng vàng hạ cám ngoài đường ngoài xá, nhưng nếu không có nó, bóng đá chỉ là một môn chơi bình thường, thậm chí giống như một món ăn quên nêm gia vị. Tất nhiên trong những thông tin đủ loại quanh trái bóng, “hiện tượng Paul” là loại tin tức “sang trọng”, tại nó không dính đến đánh lộn, đâm xe, ma túy hay mại dâm...

Rõ ràng, World Cup 2010 mà không có Paul thì sẽ kém hào hứng đi nhiều. Cho nên những ngày này nếu bảo thế giới bóng đá đang tiếc nuối và buồn đau về sự ra đi của Paul thì cũng không có gì ngoa ngôn hay cường điệu. Vĩnh biệt Paul! 

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục