Dù dẫn đầu SEA Games hai kỳ liên tiếp (2022 và 2023) và chưa bao giờ nằm ngoài tốp 3 khu vực nhưng cứ lên tầm châu Á và thế giới, thể thao Việt Nam lại tuột dốc so với nhiều đối thủ trong khu vực. Có lẽ khi gom vào thành tích ở những môn như đá cầu, bi sắt, lặn... để tính tổng sắp huy chương tại SEA Games mà chúng ta ảo tưởng rằng đang đứng trong tốp 3 khu vực.
Ngay từ giai đoạn tranh suất chính thức đến Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam đã nằm trong tốp sau của khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê về số lượng VĐV Đông Nam Á tham dự Olympic Paris 2024 từ ban tổ chức, Thái Lan là đoàn dẫn đầu với 51 VĐV ở 17 nội dung thi đấu. Tiếp theo là Indonesia (29), Malaysia (26), Singapore (23), Philippines (22) và Việt Nam (16) ở tận vị trí thứ 6.
Dĩ nhiên, không thể lấy số lượng để so sánh về khả năng, cơ hội đua tranh huy chương. Mỗi quốc gia sẽ có một chiến lược riêng để phát triển thể thao và đích ngắm mục tiêu huy chương khác nhau. Thế nhưng, trong khi Thái Lan, Philippines, Indonesia hay Malaysia đã định hình được hướng đi vươn ra đấu trường Olympic thì Việt Nam vẫn còn vất vả loay hoay.
Thể thao Đông Nam Á luôn được đánh giá yếu thế hơn so với khu vực khác trên thế giới nhưng cũng chẳng phải không có điểm sáng nào. Philippines gây bất ngờ với cú đúp HCV của VĐV thể dục dụng cụ Carlos Yulo khi anh vượt qua hàng loạt các tên tuổi thế giới để giành chiến thắng ở nội dung tự do và nhảy chống. Indonesia cũng có 2 HCV ở cử tạ và leo núi thể thao, trong khi Thái Lan có 1 HCV do công của nữ võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit, HCB ở cầu lông, HCĐ ở cử tạ. Hay Malaysia cũng có cú đúp HCĐ ở môn cầu lông tại Olympic Paris 2024.
Các nền thể thao mạnh ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Philippines đã biết điểm yếu của mình ở đâu và tìm cách khắc phục, biết tư duy phát triển theo hướng mới. Điển hình như Philippines là đoàn rất mạnh trong môn quyền Anh, song còn đầu tư thêm để phát triển môn thể dục dụng cụ.
Trong khi đó Thái Lan lại duy trì thế mạnh ở một số môn võ với hạng cân nhẹ, ngoài ra còn tấn công mạnh vào các môn vốn không phải lợi thế như cử tạ hay cầu lông... Quá trình đổi mới không thể cho kết quả khả quan ngay lập tức nhưng qua mỗi kỳ Olympic, họ cho thấy sự thay đổi và phát triển rất nhanh.
Từ những chiến lược đầu tư rõ ràng, các quốc gia này đã mạnh dạn "tấn công" vào đấu trường Olympic. Trong khi thể thao Việt Nam thay vì đặt mục tiêu huy chương cụ thể ở môn thể thao hay VĐV nào đó thì chỉ đưa ra mục tiêu tích lũy kinh nghiệm, phấn đấu có huy chương hoặc vượt lên chính mình…