Thể thao Việt Nam liên tiếp đứng đầu khu vực sau tranh tài SEA Games 31 và SEA Games 32. Tuy vậy, trên đấu trường danh giá nhất là Olympic, chúng ta đã không phải đoàn thể thao của Đông Nam Á có thành tích tốt nhất.
Tính riêng tại kỳ Olympic Paris (Pháp) 2024, các đoàn thể Thái Lan, Philippines giành được HCV đúng như mục tiêu đề ra trước tranh tài. Các đoàn thể thao Malaysia, Indonesia giành được huy chương tại Olympic Paris (Pháp) 2024. Olympic Paris (Pháp) 2024 còn 3 ngày nữa sẽ kết thúc nhưng chúng ta chỉ còn 1 tuyển thủ cuối góp mặt và cơ hội tranh huy chương rất mong manh (nếu không muốn nói khó hiện thực, môn canoeing).
Thể thao Việt Nam có 16 tuyển thủ dự Olympic Paris (Pháp) và góp mặt trong 11 môn thể thao gồm xe đạp, bắn súng, bắn cung, điền kinh, bơi, cử tạ, judo, boxing, canoeing, rowing, cầu lông. Chúng ta tham dự 18 nội dung trong các môn đấu trên. Qua 18 nội dung, tính tới hết ngày 7-8, thể thao Việt Nam bị loại ở 17 nội dung và còn duy nhất nội dung cuối sẽ tranh tài là thuyền đơn nữ C1 200 của canoeing.
Tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, thể thao Việt Nam có 18 tuyển thủ đã thi đấu trong các môn gồm bắn cung, điền kinh, cầu lông, boxing, TDDC, judo, rowing, bắn súng, bơi, taekwondo, cử tạ. Chúng ta dự 19 nội dung khi đó, không tuyển thủ nào giành được huy chương.
Như vậy tính từ kỳ Olympic Sydney (Australia) 2000 tới nay, đây là giai đoạn khó khăn nhất của thể thao Việt Nam khi chấp nhận việc “trắng tay” tìm thành tích huy chương ở Olympic trong 2 kỳ liên tiếp. Kỳ Olympic diễn ra năm 2000, chúng ta giành tấm HCB đầu tiên ở môn taekwondo. Tới năm 2008, chúng ta tiếp tục giành HCB ở môn cử tạ. Năm 2012, thể thao Việt Nam có tấm HCĐ môn cử tạ. Khi thi đấu Olympic năm 2016, chúng ta đạt 1 HCV, 1 HCB môn bắn súng. Nhưng tại Olympic năm 2020 và 2024, chúng ta không có kết quả ưng ý.
Sau Olympic Paris (Pháp) 2024, chắc chắn nhà quản lý ngành thể thao sẽ có những phân tích, đánh giá về chất lượng thi đấu của từng tuyển thủ cũng như nhìn vào thực tế vị trí của thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic là thế nào. Trước khi lên đường dự Olympic Paris (Pháp) 2024, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt từng trao đổi rằng ngành thể thao cũng có những dự báo trong mọi tình huống về kết quả thi đấu của thể thao Việt Nam, và ngành chuẩn bị cả tâm lý trong trường hợp không tuyển thủ nào đạt được huy chương.
Thể thao là thành tích. Không có thành tích, nhà quản lý sẽ đứng trước những thách thức lớn (trong đó có cả áp lực) trước người hâm mộ. Đó là lý do vì sao, ngành thể thao đang gấp rút xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ ASIAD, Olympic tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Tất cả sẽ sớm triển ngay ngay khi Đề án hoàn thiện trong năm nay.
Dự kiến, các tuyển thủ của thể thao Việt Nam sẽ về nước sau khi kết thúc nội dung thi đấu của mình, sẽ không dự Lễ bế mạc của Olympic Paris (Pháp) 2024.