> Tiền thưởng đi liền với động lực thi đấu
Tính tới lúc này, qua tất cả các lần đã dự Olympic từ trước cho tới hết Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, thể thao Việt Nam đã giành tổng 5 huy chương Olympic. Kết quả gồm 1 HCB taekwondo (Olympic năm 2000), 1 HCB cử tạ (Olympic năm 2008), 1 HCĐ cử tạ (Olympic năm 2012), 1 HCV và 1 HCB bắn súng (Olympic năm 2016). Hướng tới Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta đặt mục tiêu khiêm tốn là phấn đấu đạt được huy chương.
Năm 2000 với tấm HCB của võ sỹ taekwondo Trần Hiếu Ngân, Đoàn thể thao Việt Nam đứng hạng 64 chung cuộc tại Olympic được tổ chức ở Australia. Năm 2008, khép lại Olympic tổ chức ở Trung Quốc, Đoàn thể thao Việt Nam đứng vị trí 72 trên bảng tổng sắp huy chương. Ở Olympic 2012, chúng ta có hạng 79. Trong khi đó, kết thúc Olympic tại Brazil năm 2016, thể thao Việt Nam xếp hạng 48. Về kết quả, vị trí 48 ở bảng xếp hạng của thi đấu Olympic năm 2016 là thứ bậc cao nhất trong lịch sử của chúng ta qua những kỳ tham dự đấu trường Thế vận hội của thể thao thế giới.
Olympic lần này tại Pháp, Ban tổ chức ghi nhận sẽ có 206 đoàn đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cử VĐV tranh tài. Chúng ta đang hồi hộp chờ xem thứ hạng của thể thao Việt Nam trên bản đồ Olympic thế giới sẽ là vị trí bao nhiêu.
“Olympic là đấu trường có sự cạnh tranh chuyên môn quyết liệt của nhiều tuyển thủ giỏi tất cả các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, đây là sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn. Thành tích thể thao ở nhiều đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic sẽ phản ánh, đánh giá sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia và nền phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến, khả năng đầu tư, sự quan tâm của các quốc gia vào lĩnh vực thể thao”, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris (Pháp) 2024 – ông Đặng Hà Việt đã trao đổi. Điều này phản ánh đúng bởi chúng ta tập trung nguồn lực đầu tư cho các đội tuyển thể thao Việt Nam dự giải vòng loại Olympic và đạt suất Olympic Paris (Pháp) 2024 trong kỳ thi đấu này. Dẫu vậy, nguồn kinh phí đầu tư của chúng ta so với một số nền thể thao trong khu vực Đông Nam Á hay với một số nền thể thao châu Á vẫn còn nhỏ bé. Chúng ta vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những nguồn lực đầu tư nhiều hơn nữa dành cho thể thao. Năm 2023, ngành thể thao được cấp kinh phí hoạt động là khoảng hơn 893 tỷ đồng. Năm 2024, con số này là hơn 826 tỷ đồng.
Trong 11 môn thể thao mà Việt Nam tranh tài tại Olympic Paris (Pháp) 2024, duy nhất môn bắn cung chưa có Liên đoàn thể thao tại Việt Nam. Các môn còn lại gồm bắn súng, bơi, xe đạp, cử tạ, judo, rowing, canoeing, cầu lông, boxing, judo đều đã có Liên đoàn và Hiệp hội thể thao của mình ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự đầu tư để tập huấn thi đấu chuyên môn cho các môn trên trong quá trình chuẩn bị vòng loại Olympic và cả khi đã đạt suất Olympic Paris (Pháp) 2024 đều từ tiền của ngành thể thao. Từ đó để thấy, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của môn chưa đủ lực chung tay cùng đầu tư cho tuyển thủ có những sự chuẩn bị tốt thêm. Và như thế, chúng ta vẫn phải hồi hộp trông chờ may mắn khi thi đấu.
Tính về con số VĐV dự Olympic Paris (Pháp) 2024, thể thao Việt Nam vẫn chưa đạt tới số lượng 20 VĐV. Chúng ta còn ở phía sau các quốc gia trong Đông Nam Á là Thái Lan (51 VĐV), Indonesia (29 VĐV), Malaysia (26 VĐV), Singapore (23 VĐV), Philippines (22 VĐV). Con số cũng phản ánh thực tế, chúng ta chưa phải nền thể thao thật sự mạnh dù trên đấu trường SEA Games, Việt Nam luôn đứng trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu tổng sắp huy chương.
Bài tiếp: Olympic: Đấu trường khó có sự bất ngờ