Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 27: Đích ngắm mới

Từ cột mốc 10 năm

Với vị trí thứ 3 toàn đoàn, có thể nói thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra trước ngày lên đường. Nhưng xét về mặt chất lượng, đây không phải là một kỳ SEA Games thành công. Tuy nhiên, chính những khó khăn trong việc bảo vệ vị trí trong tốp 3 khu vực đã buộc thể thao Việt Nam phải tự đặt ra cho mình một tầm nhìn mới.

Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành tại lễ khai mạc SEA Games 27. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành tại lễ khai mạc SEA Games 27. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ cột mốc 10 năm

10 năm trước, với kỳ SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà, Việt Nam lần đầu lên ngôi nhất toàn đoàn và cũng lần đầu tiên lọt vào tốp 3 khu vực kể từ sau khi hội nhập trở lại với thể thao Đông Nam Á (từ SEA Games 1989). Như vậy, sau 10 năm và 6 kỳ đại hội, thể thao Việt Nam vẫn giữ được vị trí của mình.

Thế nhưng, sau 10 năm, tỷ trọng đóng góp của các môn thể thao vẫn không thay đổi nhiều. Các môn võ thuật vẫn là “mỏ vàng” với 60% lượng huy chương đóng góp vào thành tích chung, trong khi các môn thể thao trọng điểm cho thấy vẫn chưa có tiến bộ rõ nét. Ngay chính các môn võ, dù nắm vai trò chủ lực nhưng trên thực tế thi đấu cũng chưa có sự vượt trội về năng lực nên dễ bị xử ép hoặc xảy ra tình trạng dù vô địch thế giới nhưng không phải là số 1 SEA Games.

Lấy ví dụ, 10 năm trước, điền kinh Việt Nam có cú “vượt vũ môn” ngoạn mục khi đoạt 8 HCV, tấn công vào toàn bộ các nội dung chạy cự ly ngắn đến trung bình. Nhưng 10 năm sau, tình hình không thay đổi cho dù lần đầu tiên điền kinh đoạt 10 HCV tại một kỳ đại hội. Thành tích không tiệm cận được với trình độ Asiad, các cự ly sở trường vẫn ở trung bình và dài, các VĐV nữ vẫn chiếm ưu thế và vẫn chỉ có Vũ Thị Hương tỏa sáng trên đường chạy tốc độ. Như vậy, con số huy chương tăng nhưng chất lượng giậm chân tại chỗ.

Cũng chỉ tính trong cột mốc 10 năm, các môn thể thao liên quan đến bóng không khá hơn. Bóng đá chắc chắn là thất bại toàn diện, kể cả đội tuyển nữ dù vào đến trận chung kết. Môn bóng chuyền, chiếc HCĐ của đội tuyển nam không che nổi khoảng cách quá xa giữa chúng ta và Thái Lan ở nam lẫn nữ. Bóng bàn, Billiard & Snooker cũng ở trong tình trạng tương tự. Nếu tính luôn các môn bóng không thi đấu như quần vợt, bóng rổ, bóng ném (những môn Olympic)… thì trình độ của thể thao Việt Nam vẫn còn kém xa so với khu vực.

Nhắc đến các môn bóng là nói về tính hiệu quả của hoạt động xã hội hóa, thông qua các liên đoàn. Dễ dàng nhận thấy, tiến trình xã hội hóa đã không thành công dù nhận được nhiều sự ưu ái của xã hội. Sự thất bại ở những môn chơi mang tính tập thể cao trên đấu trường quốc tế phản ảnh sự yếu kém trong việc phát triển phong trào trong nước. Nếu ở các môn thi đấu cá nhân với các đặc thù về tố chất, huấn luyện thì ở những môn chơi tập thể, để có thành tích đỉnh cao phải có phần chân đế phong trào mạnh.

“Nữ hoàng tốc độ” Vũ thị Hương vẫn giữ được phong độ.

“Nữ hoàng tốc độ” Vũ thị Hương vẫn giữ được phong độ.

Đến lúc thay đổi tầm nhìn

SEA Games 27 ghi nhận sự trỗi dậy đặc biệt của các cá nhân ở những môn thi cơ bản. Thành tích ấn tượng của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên không làm ai bất ngờ bởi trong suốt quá trình huấn luyện tại Mỹ, những thông số kỹ thuật của cô gái 17 tuổi này đều tiến bộ. Ở môn điền kinh, dù đã dự đến kỳ SEA Games thứ 6, nhưng “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương vẫn giữ được phong độ. Hoặc ở môn bắn súng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ổn định thành tích đã giúp anh vô địch thế giới, châu Á trong năm 2013 và suýt giành huy chương tại Olympic London 2012. Nó cho thấy người Việt Nam không thiếu tố chất để chơi thể thao đỉnh cao, điều quan trọng là cách mà chúng ta đầu tư.

Từ trước đến nay, để bảo đảm cho vị trí tốp 3, thể thao Việt Nam đã dùng chiến lược “đi tắt, đón đầu” với việc tập trung cho các môn ít người chơi và sử dụng lực lượng VĐV nữ làm chủ lực. Thế nhưng, những thành công xuất sắc từ các cá nhân nói trên cho thấy, nếu đừng quá dàn trải để lấy thành tích chung mà đầu tư nhân lực, tài lực cho các môn thể thao trọng điểm thì sẽ có ngày thể thao Việt Nam vượt vũ môn lên tầm châu Á. Nói cách khác, đã đến lúc hướng tầm nhìn ra khỏi “ao làng” SEA Games và cái đích hẳn nhiên là kỳ Asiad 2019 trên sân nhà.

10 năm qua, hàng chục, hàng trăm cơ sở vật chất hiện đại được xây dựng, hàng chục ngàn tỷ đồng được đầu tư cho thể thao, hàng chục liên đoàn được ra đời để khai thác nguồn lực xã hội. Thế nhưng, với những gì đã diễn ra tại SEA Games 27, có thể nói thể thao Việt Nam chưa khai thác đúng và đủ tiềm năng của mình.

Nếu nhìn nhận đúng những yếu kém và lấy cảm hứng từ những thành tích nổi bật, thể thao Việt Nam vẫn đủ khả năng để vươn lên.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục