Thể thao Việt Nam hướng đến các giải đấu lớn

Để chuẩn bị cho các giải đấu lớn trong năm 2024: vòng loại Olympic, Olympic Paris 2024 (Pháp), Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (Thái Lan), ngành thể thao đã xây dựng kế hoạch với các mục tiêu cụ thể.

Thể thao Việt Nam hướng đến các giải đấu lớn

Olympic Paris 2024 diễn ra tại Pháp từ ngày 26-7 đến ngày 11-8, tức là chỉ còn hơn nửa năm nữa sẽ khai mạc. Mục tiêu của ngành thể thao là phấn đấu có 12-15 suất tham dự Olympic, sau đó mới hướng đến tranh chấp huy chương. Tính đến thời điểm này, thể thao Việt Nam mới đạt 3 suất chính thức Olympic Paris 2024, gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh (bắn súng) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội, 800m tự do). Trong thời gian tới, một số gương mặt được đặt nhiều kỳ vọng có thể lấy thêm suất: Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Văn Khánh Phong (thể dục dụng cụ), Phạm Quang Huy (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ)...

Ngay đầu năm mới, thể thao Việt Nam đã lên kế hoạch dự tranh các vòng loại Olympic, trong đó Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) sẽ kết thúc các giải tranh suất Olympic Paris 2024 vào ngày 30-6. Ngoài ra, cử tạ Việt Nam sẽ thi đấu giải vô địch châu Á (tháng 2, tại Uzbekistan) và World Cup (tháng 4, tại Thái Lan) để tích thêm điểm tranh suất Olympic. Ở môn quyền Anh, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh và một số tay đấm khác có thể dự 2 lượt vòng loại Olympic: vòng đầu (tháng 2, tại Italy) và vòng 2 (tháng 3, tại Thái Lan).

Đối với Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, thể thao Việt Nam dự kiến tham dự 27 môn, phấn đấu đạt 8-10 HCV. Các bộ môn được kỳ vọng cao giành HCV là billiard, cử tạ, cầu mây, bắn súng, pencak silat, muay, taekwondo.

Thời điểm này là giai đoạn nước rút để các VĐV hoàn tất mọi công tác chuẩn bị về chuyên môn. Tuy nhiên, một số VĐV nằm trong nhóm trọng điểm lại gặp phải chấn thương, đang được tích cực điều trị.

Trước khi năm 2023 khép lại, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, với nhiều đóng góp ý kiến có giá trị. Thể thao thành tích cao Việt Nam cần có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng những thay đổi của điều kiện thực tế, giúp các VĐV nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, các nhóm giải pháp đã được đưa ra là: nhóm giải pháp về xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao từ việc tuyển chọn, xác định VĐV; xác định phương thức đào tạo VĐV; xác định địa bàn đào tạo VĐV; lực lượng cán bộ, HLV và xác định giải pháp chuyên môn cho từng môn thể thao. Tiếp đến là nhóm giải pháp nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho VĐV; nhóm giải pháp xã hội hóa thể thao thành tích cao; bảo đảm nguồn lực tài chính…

Tin cùng chuyên mục