Trước khi ra tập hay thi đấu, việc thường trực đầu tiên của các tay chèo thuyền rowing, canoeing nữ là thoa kem mặt, thoa kem đôi tay để... chống nắng. Nhiều người thường nhật thấy các cô gái mạnh mẽ của canoeing, rowing Việt Nam thành công tại SEA Games, ASIAD hay dự Olympic nhưng có được những thành công như vậy, họ phải hy sinh thói quen làm đẹp của mình. Bởi, đua thuyền là phải quen với nắng, gió trên sông nước ở thời tiết bốn mùa nên bất kể tay chèo nào cũng khó giữ được làn da mịn màng nhất.
Tay chèo Phạm Thị Huệ từng bày tỏ “đua thuyền rất đặc thù do suốt ngày VĐV phải quen với thuyền, mặt hồ tập luyện, thi đấu. Nói một cách đùa vui, chúng tôi quá quen với nắng mưa, gió. Thế nên tất cả chị em của đua thuyền đều có làn da...rám nắng”. Với tay chèo Đinh Thị Hảo, cô từng bảo rằng nữ VĐV đua thuyền cũng sự duyên dáng như bao cô gái khác nhưng vì tính chất chuyên môn, sự tập luyện khá bận rộn cũng như người chèo thuyền hàng ngày tiếp xúc với thời tiết ngoài trời, việc làm đẹp sẽ là rất khó.
“Bây giờ, chúng tôi cũng tự tin hơn khi tập luyện, thi đấu đua thuyền vì đã có những trang phụ kiện với áo tay dài, quần dài ống và mũ, kính đeo chuyên dụng. Chính vậy, làn da không bị ảnh hưởng nhiều bởi ánh nắng hay thời tiết”, Phạm Thị Huệ chia sẻ thêm. Tại Olympic Paris (Pháp) 2024 mới đây, Nguyễn Thị Hương lần đầu đại diện cho canoeing Việt Nam tranh tài. Trở về Việt Nam, nữ tuyển thủ người Vĩnh Phúc bày tỏ “thời tiết khi thi đấu có nắng nhưng vào tranh tài, tôi gần như không chú ý tới những yếu tố bên ngoài mà chỉ tập trung vào đường đua, nỗ lực thi đấu”. Lời chia sẻ ấy của Hương như các đồng nghiệp khác bởi với VĐV chèo thuyền thì đã đam mê sự nghiệp luôn không bao giờ vướng bận yếu tố bên ngoài dù thời tiết có thể khiến họ khó giữ được làn da trắng.
Quen với cái nắng, cái gió cũng là điều thường nhật của các cua-rơ xe đạp. Những gương mặt lấm lem bùn đất mà khi gỡ chiếc kính ra khỏi là chỉ còn vùng trắng ở quầng mắt dường như quen thuộc với cua-rơ của xe đạp địa hình. Trên quãng đường dài thi đấu của xe đạp đường trường, cua-rơ nữ môn xe đạp mạnh mẽ không kém đồng nghiệp nam bởi họ cũng trải qua hầu hết cung bậc cảm xúc trên mỗi chặng đua. Tuyển thủ Đinh Thị Như Quỳnh (Bình Dương) từng bày tỏ rằng con gái xe đạp thường mạnh mẽ trong tính cách do môn thi đấu đặc thù và VĐV nữ phải mạnh mẽ mới điều khiển “chiến mã” chinh phục các chặng đua khó nhất.
Tại Việt Nam, chúng ta mới phát triển đua xe đạp ngoài trời, chưa có trường đua xe đạp lòng chảo trong nhà. Do vậy, cua-rơ nữ nếu quá mềm yếu hoặc quá chải chuốt vóc dáng sẽ khó toàn tâm trong tập luyện, thi đấu. Do thế, dù là nữ nhưng các cua-rơ đều không nề hà chuyện làn da đen nhẻm do cháy nắng hay gương mặt có sự gân guốc khắc nghiệt trong tập luyện, thi đấu mang lại.
“Bóng đá nữ Việt Nam, chuyện lần đầu kể” là bộ phim tài liệu về đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đang tạo hiệu ứng tích cực với người hâm mộ ở một cái nhìn tích cực hơn về việc con gái chơi bóng đá. Những thước phim tư liệu về cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam hướng tới thông điệp lớn nhất là từng cầu thủ khẳng định rằng con gái có thể chơi bóng đá.
Bóng đá nữ không kém sự khắc nghiệt bởi cầu thủ có thể thi đấu dưới thời tiết nắng nóng hoặc ẩm ướt của trời mưa. Như hậu vệ Chương Thị Kiều chia sẻ ngay khi được xem chính mình xuất hiện ở thước phim trên rạp rằng: “Con gái chơi bóng đá cũng có những sự thú vị riêng nhưng chắc chắn nếu cầu thủ sợ mưa, nắng thì không bao giờ đá được trái banh mạnh mẽ nhất...”.