Cục TDTT sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị chuyên môn để hoàn thiện thêm nội dung trong việc xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD để có tầm nhìn tới năm 2045. Nếu không có gì thay đổi, chương trình làm việc vào ngày 19-9 tại Hà Nội.
Năm ngoái, ngành thể thao từng phân tích dựa trên nguồn lực kinh phí và con người thì chúng ta phân định môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn, có thể mạnh và khả năng tranh chấp huy chương tại ASIAD 20 năm 2026, Olympic năm 2028 và các giải đấu tương lai theo 3 nhóm. Nhóm có Các môn thể thao, nội dung trọng điểm có thể tranh chấp huy chương vàng ASIAD, tranh huy chương Olympic gồm điền kinh, bơi lội, bắn súng, TDDC, cử tạ, đua thuyền, xe đạp, bắn cung, cầu lông và nội dung hạng cân nhỏ ở các môn đối kháng như taekwondo, boxing, judo, vật. Nhóm có Các môn thể thao, nội dung trọng điểm có thể tranh chấp huy chương ASIAD, HCV tại SEA Games gồm bóng đá, bơi, đua thuyền, cử tạ, bắn súng, karate, taekwondo, wushu, bắn cung, pencak silat, boxing, đấu kiếm, TDDC, vật, xe đạp, điền kinh, cờ, bóng chuyền, golf. Nhóm có Các môn xã hội hóa hiện đại và tính công nghệ như thể thao điện tử (e-sport), xe đạp lòng chảo, BMX, leo núi, sailing, cờ, golf, quần vợt.
Việc xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD của thể thao Việt Nam chắc chắn dựa trên thực tế các kết quả chúng ta đã có và thực tiễn thể thao thế giới đang vận hành qua ASIAD 20 hay Olympic Paris (Pháp) 2024. Đồng thời, chúng ta cần dự báo khả năng tiệm cận thành tích cao ở đấu trường lớn trong giai đoạn kế tiếp.
“Đề án dành cho các chương trình đầu tư các môn trọng điểm luôn là đúng. Tuy nhiên, việc đầu tư phải đồng bộ. Chúng ta thấy rằng thể thao của giai đoạn hiện đại không còn chỉ ở trông chờ vào chủ nghĩa kinh nghiệm và sức người mà cần vận dụng khoa học kỹ thuật. Có cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, y khoa hiện đại bổ trợ cho VĐV thì mới đạt được thành tích cao”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh từng phân tích. Tại Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta dự các môn gồm bơi, điền kinh, bắn súng, cử tạ, đua thuyền, boxing, xe đạp, bắn cung, cầu lông, judo. Chỉ 2 môn trong đó, thể thao Việt Nam có tuyển thủ tiệm cận gần cơ hội tranh được huy chương là bắn súng và cử tạ.
Nhìn vào cơ hội phát triển (theo nhóm nội dung cụ thể), nếu chúng ta làm tốt ở huấn luyện và được hỗ trợ cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng thuốc men y tế và khoa học phục hồi thể lực đảm bảo thì môn trọng điểm như cử tạ sẽ đạt được kết quả huy chương Olympic.
Hiện tại, vì vấn đề quy định, các đội thể thao quốc gia không có bác sỹ chuyên biệt và chuyên gia y khoa, dinh dưỡng tập trung chuyên biệt cùng. Các đội tuyển thể thao quốc gia đều muốn bổ sung đội ngũ này tham gia ban huấn luyện nhưng ngành thể thao chưa giải quyết được vướng mắc.
Xây dựng được Đề án sau đó thực hiện để mang được tính hiệu quả mới là điều cần thiết. Trước mắt, tất cả đang chờ đợi Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD sớm hoàn thiện và được phê duyệt, đưa vào thực hiện sớm nhất.