Thể thao Việt Nam cần định hướng đầu tư kiểu nào?

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam đồng thời là Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã có những chia sẻ với báo giới về kết quả thành tích của chúng ta tại ASIAD 19. Từ đó, mọi người vẫn chờ đợi một sự định hướng và bắt tay vào làm việc hiệu quả nhất để nền thể thao của Việt Nam có thứ hạng cao trong châu lục.
Thể thao Việt Nam đang nỗ lực vươn tầm vượt hơn 5 HCV tại mỗi kì ASIAD nhưng vẫn là rất khó cho chúng ta. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Thể thao Việt Nam đang nỗ lực vươn tầm vượt hơn 5 HCV tại mỗi kì ASIAD nhưng vẫn là rất khó cho chúng ta. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Ngay sau khi Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) bế mạc tại Hàng Châu (Trung Quốc), Trưởng đoàn thể thao Việt Nam – ông Đặng Hà Việt đã phân tích cụ thể về chuyên môn, kết quả 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ của thể thao Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra khi tham dự Đại hội lần này là phấn đấu giành từ 2 tới 5 HCV. “Về thông số thành tích, ngoài sự xuất sắc của cầu mây, bắn súng, karate thì chúng ta còn có một số kết quả khích lệ như thành tích tại 800m tự do trong môn bơi của Nguyễn Huy Hoàng (đã tốt hơn 2,88 giây so với lần Hoàng giành HCĐ cùng cự ly tại ASIAD 18); tổ tiếp sức 4x400m điền kinh nữ đạt thông số 3’31”61...”.

Nhưng có thực tế không thể phủ nhận là chúng ta có những kết quả chưa thành công và thành tích để lại đáng tiếc cho nhà quản lý và người hâm mộ. Đơn cử là việc cua-rơ Nguyễn Thị Thật chỉ về đích vị trí hạng 4 trong nội dung sở trường. Trong bắn súng, những gương mặt quan trọng như Trịnh Thu Vinh, Hà Minh Thành không giành được huy chương. Ở môn karate, võ sĩ Hoàng Thị Mỹ Tâm sớm dừng bước. Trong môn boxing (quyền Anh), Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh không đạt được thành tích huy chương. Môn taekwondo có Trương Thị Kim Tuyền không có thành tích huy chương. Cử tạ không có tuyển thủ nào giành được huy chương lần này. Kể cả trường hợp Nguyễn Huy Hoàng, tuyển thủ người Quảng Bình đã không thành công trong cự ly được chờ đợi nhất là 1.500m tự do.

Trong 3 tấm HCV mà thể thao Việt Nam giành được, chúng ta chỉ có 1 HCV là kết quả thi đấu cá nhân (bắn súng – Phạm Quang Huy) và 2 tấm HCV còn lại là của nội dung đồng đội (cầu mây, karate). Phải nhìn nhận thực tế, Phạm Quang Huy không nằm trong nhóm được dự báo khả năng tranh chấp được HCV cá nhân ở môn bắn súng và thành tích xuất thần của xạ thủ mang lại bất ngờ cho chúng ta ở ASIAD 19. Ở nội dung cầu mây đồng đội bốn người nữ, đội tuyển Thái Lan không tham dự hay ở nội dung kata (biểu diễn) đồng đội nữ thì đội tuyển Nhật Bản không dự tranh.

Ông Đặng Hà Việt khẳng định thêm “hoạt động tuyển chọn tài năng cho thể thao chúng ta giống như “đãi cát, tìm vàng”, nếu chúng ta “đãi cát” ở 63 tỉnh, thành và ở cả hệ thống tiểu học thì sẽ tìm được nhiều tài năng. Hiện nay, tuy nói là chúng ta đầu tư trọng điểm nhưng mới chỉ là trọng điểm trong tập huấn, thi đấu cấp độ đội tuyển và tuyển trẻ. Chúng ta cần một quy trình toàn diện, khoa học và bài bản, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, hồi phục, phòng tránh, điều trị chấn thương và đội ngũ khoa học với trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá VĐV, phân tích đối thủ và đặc biệt các môn thể thao trọng điểm cần có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học”.

Đội tuyển karate Việt Nam là đội tuyển đã giành được HCV quý giá cho chúng ta lần này ở ASIAD 19. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Đội tuyển karate Việt Nam là đội tuyển đã giành được HCV quý giá cho chúng ta lần này ở ASIAD 19. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng bày tỏ quy trình để đào tạo cho một tài năng thể thao thường mất khoảng 10 năm từ đầu tư tới công tác đào tạo, tuyển chọn, hệ thống các giải đấu và có khi trong hàng ngàn VĐV tham gia tập luyện chuyên nghiệp mới tìm được một tài năng cấp châu lục và thế giới, việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cách làm việc khoa học, bài bản.

Như vậy, thể thao Việt Nam đã kết thúc hai đấu trường lớn nhất của năm 2023 là SEA Games 32 và ASIAD 19. Trong mỗi đấu trường, chúng ta đã thấy rõ được khả năng thi đấu và giành thành tích huy chương tại các môn thể thao thành tích cao. Mỗi con số đưa ra đều là chỉ số để tham khảo, đánh giá. Nhưng rõ ràng, thể thao hiện đại đã không đơn thuần chỉ dựa vào kinh nghiệm chuyên môn, dựa vào năng lực của VĐV mà phải có sự bổ trợ từ khoa học kĩ thuật và VĐV được trang bị nhiều điều kiện thì mới thành công.

Từ khi thể thao Việt Nam lần đầu tham dự ASIAD là năm 1982 (có 40 tuyển thủ khi đó) và giành được tấm huy chương đầu tiên là HCĐ môn bắn súng, tới bây giờ sau 43 năm chúng ta vẫn loay hoay chưa thể giải được bài toán làm sao thành tích HCV tại đấu trường này vượt được hơn 5 tấm huy chương. Câu hỏi này luôn được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra mỗi khi chúng ta kết thúc thi đấu một kì ASIAD nhưng lời giải là chưa có. ASIAD 18 vẫn được xem là kì thi đấu tốt nhất của chúng ta sau khi có được 4 HCV chính thức và còn chờ công bố thêm 1 HCV còn lại (điền kinh, Quách Thị Lan).

Tin cùng chuyên mục