Tấm khiên của chàng hiệp sĩ

Tấm khiên của chàng hiệp sĩ

1. Như vậy là trong bốn trận liên tiếp gần đây, “Độc Cô Cầu Bại” Barcelona đã hòa tới ba trận, chỉ thắng có một trận. Trong ba trận hòa, có hai trận ở La Liga (với Real Sociedad và Valencia) và một trận ở Champions League (với AC Milan). Lạ lùng là cả ba trận bất phân thắng bại đó đều kết thúc với tỷ số 2-2. Mỗi trận đều chọc thủng lưới đối phương 2 bàn, chưa kể trận tàn sát Osasuna tới 8-0, kết quả đó cho thấy hàng tấn công của Barca hỏa lực vẫn còn rất mạnh. Ngược lại, mỗi trận hòa đều để thủng lưới 2 bàn, hiện tượng đó lại chỉ ra sự trục trặc của hàng phòng ngự Barca.

Carles Puyol (phải) - “Tấm khiên” của Barca - trong một pha tranh bóng bổng với Soldado trong trận Valencia - Barcelona.

Carles Puyol (phải) - “Tấm khiên” của Barca - trong một pha tranh bóng bổng với Soldado trong trận Valencia - Barcelona.

2. Mọi người đều biết Barca là biểu tượng của chủ nghĩa duy mỹ trong bóng đá, là đại diện ưu tú nhất của bóng đá cống hiến  không chỉ trong thời điểm hiện nay. “Tấn công là cách phòng thủ hay nhất”, phương châm đó của các nhà lập thuyết khi nói về một thứ bóng đá trong mơ đã được Barca thực hiện một cách triệt để. Trái ngược hẳn với quan niệm “trước hết không để đối phương ghi bàn vào lưới đội nhà” của huấn luyện viên Mourinho, quan điểm của Pep Guardiola là sự nối dài lối tư duy phóng khoáng “Cơ sở của chiến thắng là nếu đối phương sút vào lưới mình một bàn thì mình sút vào lưới đối phương hai bàn”. Thứ bóng đá coi mục đích tiên quyết là ghi thật nhiều bàn thắng vào lưới đối phương để đem lại cảm xúc cho người xem từng được các bậc thầy Rinus Michel, Cruyff, Menotti, Tele Santana cổ xúy trên diễn đàn và trình bày trên sân cỏ, và luôn luôn được ngưỡng mộ từ khán giả và từ chính các đồng nghiệp. Pep cũng đón nhận không ít hào quang từ thứ bóng đá lộng lẫy và rất được yêu mến này.

3. Nhưng “lấy tấn công làm phòng thủ” là một phương châm nhấn mạnh đến tính xu hướng, chứ không có nghĩa là coi nhẹ phòng thủ về mặt nhân sự. Các huấn luyện viên tiền bối đều có những hậu vệ cừ khôi như  Haan, Krol, Passarella, Koeman... Tất nhiên Barca của Pep cũng có Puyol và Pique, nhưng trên thực tế cặp trung vệ này ít khi có mặt cùng lúc trên sân vì nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là do chấn thương). Chỉ vắng mặt một trong hai thôi cũng đủ gọi là khiếm khuyết nhưng vì hàng tấn công của Barca quá mạnh, hơn nữa lối chơi tiqui-taca quá biến ảo khiến đối phương hiếm khi có đủ bóng để phản công nên trong phần lớn các trường hợp hàng phòng ngự quanh năm sứt mẻ của Barca không bị đe dọa nghiêm trọng. Năm ngoái, Barca đã đoạt chức vô địch La Liga và lên đến đỉnh cao châu Âu bằng đội hình chắp vá này.

4. Chính điều đó ít nhiều đã khiến HLV Pep rơi vào trạng thái chủ quan. Ông vẫn yên tâm với các cầu thủ đa năng như Mascherano, Busquets, Abidal, những cầu thủ có thể trám vào các lỗ hổng ở hàng phòng ngự một cách tròn vai. Nhưng cầu thủ dù đa năng đến mấy thì họ cũng mạnh nhất ở một vị trí chuyên biệt, có tính sở trường. “Giỏi một vai, biết nhiều vai” là phẩm chất quan trọng của cầu thủ hiện đại, giúp họ có thể “chữa cháy” cho đội hình bất cứ lúc nào huấn luyện viên yêu cầu. Nhưng “chữa cháy” là một loại “nghiệp vụ” nhất thời, thỉnh thoảng thì được, còn “chữa cháy” quanh năm thì không còn là “chữa cháy” nữa. Hiện tượng tiền vệ Mascherano đá vai trung vệ gần như thường xuyên, đó là một thảm họa hơn là một sáng kiến. Còn khi cả tiền vệ Busquets cũng được kéo về đá cặp với Mascherano để hình thành một bộ đôi trung vệ “lạ hoắc lạ huơ” thì AC Milan chỉ cần phút đầu tiên và phút cuối cùng trong một trận đấu 90 phút để ghi hai bàn vào lưới Valdes một cách dễ dàng.

5. Tất nhiên Pep thấy rõ điều đó nhưng một phần ông không có nhiều cầu thủ dự phòng cho hàng phòng ngự, phần khác ông vẫn tin rằng hàng tấn công nguyên tử của ông sẽ ngay lập tức “lấy lại những gì đã mất” nếu chẳng may lưới Valdes bị rung lên. Nhưng như trận đối đầu với Valencia mới đây đã chỉ ra: không phải lúc nào đội hình của Barca cũng vận hành trôi chảy. Khi cầu thủ hàng công có dấu hiệu mỏi mệt, khi Messi gặp ngày Chúa không đứng về phía mình, khi Villa tiếp tục vô duyên, khi Iniesta vắng mặt và khi ngay cả cầu thủ chuyền bóng số một thế giới Xavi cũng chuyền bóng hỏng không dưới một lần, hỏa lực của Barca không đủ sức bắn phá khung thành đối phương như ý muốn. Trận hòa 2-2 với Valencia còn gióng lên một hồi chuông báo động khác: Khi Puyol lao ra như một trung vệ dập thì hậu vệ trái Abidal dù “đa năng” đến mấy cũng không thể hoàn thành vai trò chốt chặn cuối cùng: anh trực tiếp mắc lỗi trong cả hai bàn thua của Barca. Cả vai trò của Daniel Alves cũng bộc lộ bất cập khi anh thường xuyên đá như một tiền vệ, thậm chí như một tiền đạo cánh. Rất giống bậc đàn anh Roberto Carlos, Alves tấn công rất giỏi, đến mức không ai (kể cả anh) nhớ ra anh là một hậu vệ. Nhưng huấn luyện viên của Valencia thì nhớ, và ông chỉ đạo những cầu thủ cánh có tốc độ hỏa tiễn liên tục khoét vào khoảng trống mênh mông sau lưng Alves. Chiến thuật này hiệu quả đến độ nếu không vô duyên, hôm đó các tiền đạo Valencia có thể ghi vào lưới Valdes  ít nhất 4 bàn.

6. Ba trận hòa chưa phải là tai họa với Barca, khi mà đại kình địch Real Madrid cũng đang liêu xiêu vì liên tục mất điểm ở La Liga. Nhưng nếu Barca cứ tiếp tục coi nhẹ khâu phòng thủ như vừa qua thì bất cứ điều bất trắc gì cũng có thể xảy đến với thầy trò Pep. Chàng hiệp sĩ có chơi đẹp đến mấy thì tay mặt cầm kiếm, tay trái chàng cũng phải cầm khiên. Chàng chuộng lối chơi cống hiến, chàng tấn công ồ ạt, chàng đâm đối phương mười nhát thì đối phương cũng tìm cách đâm lại chàng ít nhất là một nhát. Một nhát quả là ít ỏi, nhưng nếu chàng nhởn nhơ không thèm cầm khiên, hoặc chỉ cầm hờ hững một tấm khiên rách nát thì nếu nhát đó đâm trúng vào tử huyệt thì chàng sẽ mất mạng ngay đường trường. Chàng hiệp sĩ Pep, chàng hiệp sĩ Barcelona, ba trận hòa chẳng lẽ chưa đủ để chàng coi lại tấm khiên méo mó của mình?

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục