Ngôi cao còn cách không xa…
Ngày hôm trước, tuyển nữ Việt Nam đã rất dũng cảm, vượt qua những khó khăn tưởng như “chuyện ở trên sao Hỏa mới có”, tìm được trận thắng đầu tay có tỷ số tương tự như các chiến thắng vừa qua của các cầu thủ U22 chúng ta - thắng bằng tỷ số “của 1 set tennis”, trước Indonesia. Chiến thắng ấy đã giúp cho các tuyển thủ nữ “đi trước một bước” so với các đồng nghiệp nam của mình, giành quyền lọt vào vòng bán kết, nhận mức thưởng khủng từ “ông bầu” Phạm Thanh Hùng và VFF.
Giờ đây, nhiệm vụ bảo vệ tấm huy chương vàng ở SEA Games năm nay, hay chính xác hơn là giành tấm huy chương vàng thứ 6 ở Đại hội thể thao khu vực (qua đó, qua mặt người Thái để lập nên một kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” là 6 lần vô địch SEA Games. Hiện cả Việt Nam lẫn Thái Lan đều có thành tích 5 lần thắng HCV) đã gần lại hơn rất nhiều đối với các cô gái Việt Nam.
Chỉ cần 2 chiến thắng nữa thôi, thầy trò ông Mai Đức Chung sẽ lại bước lên bục cao nhất. Gần như chắc chắn, chúng ta sẽ đối đầu với đại kình địch Thái Lan ở chung kết. Nhưng trước mắt, ưu tiên hàng đầu vẫn là chơi tập trung và vượt qua đối thủ bất kỳ ở bán kết.
Sở hữu rất nhiều cầu thủ có khả năng săn bàn ở trong đội hình, từ đội trưởng Huỳnh Như (vừa lập “cú đúp” vào lưới Indonesia), Nguyễn Thị Tuyết Dung (cũng lập “cú đúp” vào lưới Indonesia) và Nguyễn Thị Vạn (người sớm hoàn tất “cú đúp” vào lưới Indonesia trước cả Tuyết Dung và Huỳnh Như), ông Mai Đức Chung sẽ có nhiều chọn lựa cho các trận đấu sắp tới.
Thử thách gian nan
So với tuyển nữ, các chàng trai U22 Việt Nam phải trải qua một hành trình dài và vất vả hơn. Mới chỉ thắng 2 trận mở màn, U22 Việt Nam còn đến 3 trận đấu vòng bảng ở phía trước - lần lượt đấu với Indonesia (đội bóng đang rất hưng phấn sau 2 chiến thắng có cùng tỷ số 2-0 trước Thái Lan và Singapore), với Singapore và với Thái Lan ở lượt đấu cuối cùng của bảng B.
Giành được tấm huy chương vàng SEA Games danh giá và trân quý, chính là thứ chiến tích mà cả đất nước Việt Nam, mọi người dân Việt đều khát khao suốt từ năm 1991 cho đến nay (khi Nguyễn Văn Dũng và các đồng đội chỉ giành được 1 điểm ở vòng đấu bảng, để thua 2/3 trận đấu vòng bảng, thua trước Indonesia và Malaysia, sớm bị loại ở lần đầu tiên “hội nhập”).
Có thể nói “đơn giản và trực tiếp” rằng, các thầy trò ông Park Hang Seo chỉ cần “thắng trong cả 5 trận đấu còn lại”, họ sẽ đạt được giấc mơ của mình, không gì rõ ràng hơn. Nhưng nếu đó là mục tiêu quá “căng”, thì có một cách xử lý “nhẹ nhàng” hơn, là thắng 4/5 trận đấu, trong đó, phải thắng cả 2 trận đấu cuối cùng, ở bán kết và chung kết (đương nhiên là như vậy).
Đây là một mục tiêu không quá tầm với của thầy trò ông Park Hang Seo, khi đội hình U22 Việt Nam rất đều, có nhiều tuyển thủ còn rất trẻ nhưng kinh nghiệm chinh chiến quốc tế đã thuộc hàng “thượng thừa” (kiểu như Văn Hậu, Quang Hải… hay 2 chàng “cận vệ già” là Hùng Dũng và Trọng Hoàng). Không phải tự nhiên mà trong 2 trận đấu vừa qua, “thầy” Park cho trình làng 2 đội hình khác nhau rất nhiều, nhưng vẫn mang lại chiến thắng “như set tennis”. Cụm từ “xoay tua đội hình” là thuật ngữ thường được các cầu thủ U22 sử dụng để trả lời phỏng vấn trước các phóng viên Việt Nam, cho thấy “độ dày cơm” của đội hình U22 Việt Nam, dù nó mang cả yếu tố “chia sức để chơi” ở giải đấu quá “căng lịch” như SEA Games 2019.
Trước mắt, U22 Việt Nam cần phải đánh bại Indonesia đã sớm tạo ra một vị thế thuận lợi, hòng nghĩ đến những toan tính khác. Ông Park sẽ sử dụng ai trên hàng công, một Hà Đức Chinh vừa mới “hồi sinh” với cú poker vào lưới Brunei, hay Nguyễn Tiến Linh vừa mới bùng nổ bằng cú hattrick trong trận gặp Lào? Tất cả đều là “những ẩn số thú vị”.
Cả 2 đội bóng đá nam và nữ, đều đang vội vã, nhưng cực kỳ tập trung, hướng đến “tham vọng Vàng” ở SEA Games 30. Họ đều có màn khởi đầu khá ấn tượng, hy vọng cả 2 đội bóng sẽ cùng “song kiếm hợp bích”, để phất cao lá Cờ đỏ sao vàng trên đất Philippines.