Sổ tay: Trách nhiệm xã hội

Một lần nữa, chuyện về văn hóa từ chức lại dấy lên mạnh mẽ nhắm vào Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sau thất bại tại AFF Cup 2012. Sẽ có người thắc mắc vì vấn đề từ chức luôn khó khăn ở mọi lĩnh vực, tại sao lại ép VFF đến như vậy?!

Phải ép, đơn giản vì VFF là một tổ chức xã hội được hình thành dựa trên cơ sở bầu bán. Nghĩa là không có chuyện sa thải khi không hoàn thành nhiệm vụ mà phải đợi đến các kỳ đại hội mới tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm. Hơn nữa, là một tổ chức xã hội, việc tham gia là tự nguyện nên đặt vấn đề sa thải là không hợp lý. Đấy là chưa nói, VFF còn chịu ảnh hưởng của “ngành dọc”, tức là FIFA mà theo quy định, không ai được can thiệp vào chuyện nội bộ của VFF ngoài đại hội toàn thể BCH. Vì vậy, dư luận mới xoáy vào văn hóa từ chức đối với VFF vì không ai có thể kiên nhẫn chờ đợi 5-7 tháng để giải quyết một vấn đề gây bức xúc hiện tại.

Chính vì thế, có thể dùng từ phẫn nộ khi sau thất bại tại AFF Cup 2012, VFF án binh bất động. Không cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm cụ thể, thậm chí cũng chẳng có một báo cáo công khai nào về trách nhiệm của các bộ phận chức năng đối với thất bại này. HLV Phan Thanh Hùng và các cầu thủ đều công khai nhận lỗi và cá nhân HLV đã xin từ chức. Tuy nhiên, ai cũng thấy, thất bại này hoàn toàn không phải là lỗi của họ.

VFF có quyền cho rằng, một thất bại cụ thể cần phải được truy cứu cụ thể. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Trách nhiệm xã hội của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp như VFF ở đâu?

Dưới sự điều hành của VFF, hiện tại bóng đá Việt Nam đã trở thành một gánh nặng cho xã hội. Xin nhớ rằng, bóng đá là một lĩnh vực mang tính giải trí. Nhiệm vụ tối thượng của nó như bao môn thể thao khác là nâng cao sức khỏe người dân, đem lại niềm vui và giải tỏa bớt những căng thẳng trong đời sống bằng việc cống hiến những trận đấu hay, đẹp và các cảm xúc biểu tượng của chiến thắng, tính đồng đội, tinh thần cao thượng.

Đằng này, thất bại tại AFF Cup 2012 đang làm cho người hâm mộ tức giận khi phải chứng kiến tinh thần bạc nhược, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân nơi các cầu thủ. Nó khiến tâm lý xã hội đã nặng nề còn nặng nề hơn. Nói thẳng ra, bóng đá đang gây hại cho xã hội.

Chưa hết, mùa bóng 2013 chưa biết có được tiến hành hay không khi hàng loạt CLB đứng trước nguy cơ giải thể vì thiếu tiền. Nhiều CLB hiện nay còn “yêu sách” với các địa phương. Dù xin tiền ngân sách trực tiếp hay gián tiếp thì chắc chắn tiền để cho các CLB vận hành đều ảnh hưởng đến tiền đóng thuế của dân. Các doanh nghiệp “nuôi” không nổi, nay bỏ bừa lại cho địa phương và có thể đẩy hàng trăm cầu thủ vào cảnh trắng tay. Như vậy, đã không đem lại niềm vui mỗi cuối tuần cho dân, bóng đá lại còn tạo thêm áp lực đối với những nhà quản lý.

Với sự sa sút nghiêm trọng từ trên xuống dưới đã có dư luận cho rằng nên dẹp hẳn bóng đá nếu VFF không còn đủ sức điều hành, bởi ít ra nó cũng tránh cho xã hội phải tốn thêm thời gian, tiền bạc để duy trì. Vì lẽ đó, VFF cần phải thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của mình. Nếu không thể làm cho bóng đá tốt hơn, chí ít việc họ nhận trách nhiệm và từ chức cũng phần nào đáp ứng được mong muốn của xã hội.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục